Nhiệt độ xuống thấp vào mùa lạnh làm ảnh hưởng sức đề kháng, quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Hơn nữa, đây cũng là điều kiện tốt để cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Do đó, cần có những biện pháp chăm sóc hợp lý để ao nuôi phát triển tốt, tránh các thiệt hại xảy ra.
Ảnh hưởng
Mùa lạnh nhiệt độ nước ao nuôi xuống thấp (đặc biệt nhanh khi sử dụng sục khí). Trong khi đó, đặc điểm của tôm nuôi chỉ thích hợp với nhiệt độ từ 25 - 320C, khi nhiệt độ xuống dưới 200C tôm sẽ ngừng sinh trưởng, cường độ bắt mồi thấp, tôm giảm ăn, hệ số FCR tăng cao (từ 1,5 - 1,8), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2 g/con/ngày (so với mùa nắng là 0,3 g/con/ngày), điều này có nghĩa thời gian nuôi sẽ bị kéo dài hơn khoảng 1,5 lần. Cường độ bắt mồi và chuyển hóa thức ăn kém, trong khi độ mặn, pH, kiềm thay đổi làm tôm khi lột xác thường bị chết do mềm vỏ (tôm chết dạng cục thịt). Cùng đó, nhiệt độ xuống thấp làm cho hoạt động xi phông vệ sinh đáy của công nhân thường không đảm bảo. Lượng chất thải, thức ăn dư thừa, xác chết và vỏ tôm còn dư lại trong ao khi trời nắng ấm, nhiệt độ tăng trở lại sẽ phân hủy nhanh tạo nên các khí độc làm ảnh hưởng đến tôm.
Sau mỗi đợt mưa lạnh kéo dài lại là lúc trời nắng, nhiệt độ nước ao nuôi tăng, tảo phát triển mạnh làm tăng độ pH, tăng sự hình thành NH3 gây hại đối với tôm. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước tăng giúp cho các vi khuẩn gây bệnh bùng phát nhanh chóng làm cho tôm dễ dàng bị nhiễm bệnh (đốm trắng, hồng thân, phân trắng...) và có thể gây chết hàng loạt.
Biện pháp cải thiện
Chuẩn bị ao: Ao cũng được cải tạo và vệ sinh như ao nuôi tôm bình thường, nhưng lưu ý thời gian phơi đáy dài hơn (do trời ít nắng), không lấy nước vào ao nuôi trong những ngày gió mùa. Nếu cần nên lấy vào ao lắng trong 4 - 6 ngày để lắng và ổn định môi trường, sau đó mới cấp vào ao.
Thiết kế ao: Một trong những biện pháp hữu hiệu nuôi tôm giai đoạn đầu khi nhiệt độ thấp là thiết kế ương tôm trong bể, ao nhỏ trải bạt (50 - 200 m2) trong nhà lán quây kín bằng nilon lắp đặt hệ thống sục khí 24/24, nhằm ổn định nhiệt độ cùng các yếu tố khác như pH, độ kiềm, khí độc… trong ngưỡng cho phép và xi phông đáy hàng ngày. Thả tôm mật độ cao (200 - 400 con/m3 nước), sử dụng công nghệ Biofloc để ương tôm trong tháng đầu, sau đó chuyển ra ao để nuôi tiếp. Biện pháp này vừa giảm được hao hụt và hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm (EMS). Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra (tôm bị bệnh) thì sẽ loại bỏ và vệ sinh nhanh chóng ao, bể để ương lứa mới, tiết kiệm được nhân lực, thời gian và chi phí. Để hạn chế tác động của gió lạnh (gió mùa Đông Bắc) cần đắp cao bờ đê của ao nuôi ở những hướng bị tác động trực tiếp bởi gió lạnh, hoặc trồng cây, dùng các tấm fibro xi măng chắn gió.
Nuôi tôm trong nhà màng giúp hạn chế tác động của thời tiết - Ảnh: ST
Sử dụng nhà bạt: Có thể xây dựng nhà bạt theo kiểu chóp nón, giữa ao có một trụ chính, xung quanh ao cắm trụ bê tông hoặc trụ thép cao khảng 20 cm so với mặt đất, mỗi trụ cách nhau khoảng 30 cm. Dây cáp đường kính 3 mm, được căng xung quanh ao đảm bảo độ dốc 5%, trên được phủ màng nhà kính (nilon). Hoặc kiểu mái nhà: Nhà bạt được xây dựng gồm 2 mái, có diện tích 1,2 ha, mái cao khoảng 3,5 - 4 m, dây cáp bọc nhựa trên mái được móc vào các cột thép cố định xung quanh. Trên mái được phủ lớp bạt nilon để bảo vệ. Thả giống: Trước khi thả giống 30 phút nên chạy máy quạt khí để tăng cường ôxy hòa tan và nhiệt độ được đảo đều giữa các tầng nước ao, tránh tôm bị sốc. Cần chọn thời điểm thả có nhiệt độ nước ấm nhất trong ngày (12 - 14 giờ). Ngâm bao tôm trong nước 15 phút khi thả. Ao, bể ương tôm trong nhà bạt khi chuyển tôm ra ao nuôi cần chọn ngày nắng ấm, tránh gió mùa. Chỉ thả giống khi nhiệt độ thực sự ổn định, không thả khi đang mùa gió lạnh tràn về. Nhiệt độ nước cần được trại giống thuần cho đúng nhiệt độ môi trường trước khi thả. Nếu sau khi thả giống lại gặp những cơn mưa bất thường, ngay lập tức dùng vôi bột rải đều trên khắp bờ, mặt ao với lượng 2 kg/100 m2 để khắc phục tình trạng pH giảm đột ngột làm tăng độc tính của khí H2S, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi.
Thức ăn: Khi nhiệt độ giảm 20C thì lượng thức ăn cần giảm 30 - 50% lượng thức ăn hàng ngày và khi nhiệt độ ổn định lại cần theo dõi khả năng bắt mồi để điều chỉnh cho phù hợp. Giảm và kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn đưa vào ao nuôi, không để dư thừa ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước. Bổ sung thêm các chất hỗ trợ như Vitamin C, men tiêu hóa… nhằm tăng sức đề kháng cũng như hấp thu của tôm.
Trong quá trình nuôi: Định kỳ 5 - 7 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng BKC hoặc Iodine với liều lượng 1 kg/1.000 m3 nước; Bổ sung men vi sinh bằng chế phẩm sinh học với liều lượng 100 g/1.000 m3 nước, 2 - 3 ngày/lần; Tăng cường sức khỏe cho tôm bằng cách sử dụng hỗn hợp các chế phẩm; Vào những ngày mưa nhiều phải thường xuyên kiểm tra pH và độ kiềm 3 - 4 giờ/lần. Phải duy trì pH > 7,8. Nếu thấy pH giảm hàng ngày phải chủ động bón vôi nóng (CaO) với liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 nước/lần, và bón 2 lần/ngày. Khi độ kiềm giảm xuống dưới 100 ppm thì phải nâng kiềm bằng chế phẩm khoáng kết hợp với canxi để duy trì độ kiềm > 120 ppm. Nếu mưa to kéo dài, độ mặn trong nước ao giảm xuống thì phải cấp thêm nước biển (đã qua xử lý) để ổn định áp suất thẩm thấu của tôm. Việc bổ sung thêm nước biển có thể sẽ làm cho tôm bị sốc, do đó để chống sốc cho tôm người nuôi cần sử dụng chất điện giải, vitamin và các khoáng chất thiết yếu. Sau mỗi đợt mưa lạnh, trời chuyển nắng, nhiệt độ nước tăng, người nuôi chưa nên tăng ngay lượng thức ăn cho tôm mà thay vào đó cần thay nước, diệt khuẩn và cấy lại men vi sinh sau 24 giờ.
>> Khi phát hiện tôm nuôi có các biểu hiện ngoài tầm kiểm soát thì người nuôi cần báo ngay cho cán bộ kỹ thuật chuyên môn gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm để trị các bệnh do virus gây ra, không tự ý xả thảy nước chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài… sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. |
Nguồn: Con tôm