Mô hình nuôi tôm thương phẩm trong bể của anh Trần Đức Dũng tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đang phát triển tốt, hứa hẹn nhiều triển vọng mới cho nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Trước khi thả nuôi, tôm giống được nuôi trong bể gièo để thích nghi dần với môi trường.
Nuôi tôm ao đất, trên cát... ở Cẩm Xuyên "giờ đã xưa"..., thay vào đó là nuôi tôm thương phẩm trong bể của anh Trần Đức Dũng mới thực sự lạ khiến nhiều người dân ở đây ngỡ ngàng khi đến "mục sở thị" mô hình này.
Mô hình nuôi tôm "trên cạn" của anh Trần Đức Dũng ở thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên)
Không phải đào ao, cải tạo, chỉ với 3.000 m2 diện tích đất, anh Dũng sử dụng khung sắt quây tròn bằng thép B40 rồi lót bạt và hệ thống ôxy, máy móc, thiết bị. Hiện tại, mô hình của anh Dũng có 10 bể tròn, mỗi bể khoảng 500 m3, trong đó, có 2 ao lắng để góp phần xử lý chất thải, cải thiện chất lượng nước trong quá trình nuôi.
Nuôi tôm trong bể chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi
Anh Dũng chia sẻ: Cũng trên vùng đất này, hơn 4 năm qua, anh nuôi tôm công nghệ cao trên cát nhưng hiệu quả mang lại khá bấp bênh. Trước hết, thất bại là do không kiểm soát được môi trường ao nuôi, dẫn đến tôm dễ bị bệnh gan tụy và đốm trắng. Mặt khác, mỗi ao nuôi tôm có diện tích từ 2.500 m2 trở lên nên khó xử lý khi có sự cố xẩy ra. Bởi vậy, anh từ bỏ nuôi tôm bằng ao mà mày mò “khăn gói” vào tận các tỉnh phía Nam học hỏi nuôi tôm "trên cạn".
Quyết định táo bạo trên được anh thực hiện từ đầu năm nay. Sau 4 tháng tự mình xây dựng mô hình với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng làm bể nuôi tôm thương phẩm. Hiện tại, anh đã thả 60 vạn giống tôm nuôi trong 8 bể. Qua 2 tháng chăm sóc, tôm giờ phát triển rất tốt, đạt kích cỡ khoảng 150 con/kg.
Mô hình sử dụng ao trữ lắng nhằm quản lý chặt chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi chính.
“Nuôi tôm trong bể có ưu điểm thuận lợi trong việc dễ dàng chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường. Tôm được sống trong môi trường sạch sẽ nên phát triển nhanh. Mặt khác, diện tích nhỏ, tôi thả tôm giống có kích cỡ lớn, giảm hao hụt, hạn chế rủi ro, rút ngắn được thời gian nuôi. Đặc biệt, tận dụng chất thải, vỏ tôm làm nguyên liệu cho bể biogas tạo chất đốt để sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh” – anh Dũng cho biết thêm.
Tôm nuôi trong bể hiện đang phát triển tốt, kích cỡ đạt 150 con/kg
“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm của anh Dũng thấy những con tôm rất khỏe, búng tanh tách khi được vớt lên. Theo chủ đầm tôm thì gần 2 tháng nữa mới cho thu hoạch vì khi đó tôm sẽ đạt kích cỡ tầm 40 con/kg mới bán được giá cao.
Nuôi tôm trong bể chủ yếu là để nuôi tôm vụ đông mới đem lại giá trị kinh tế cao. Sắp tới, anh Dũng sẽ bỏ ra hơn 400 triệu đồng để làm nhà bạt và mở rộng thêm diện tích nuôi tôm vụ đông. Hiện tại, mô hình của anh thu hút rất nhiều người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học hỏi và có ý định đầu tư làm theo.
Hệ thống xử lý chất thải của mô hình không gây ô nhiễm môi trường xung quanh
Ông Nguyễn Hữu Minh – chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho hay: Mô hình nuôi tôm trong bể được xem là nuôi tôm "trên cạn" đầu tiên trên đất Cẩm Xuyên. Đây là hình thức nuôi mới hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có thêm lựa chọn để ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi tôm theo hướng công nghiệp, bền vững.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh