Mô hình “Tôm ôm lúa” cho lợi nhuận gấp 3 lần “một lúa”

Thursday,
24/05/2018
0

Đó là đánh giá được đưa ra tại Diễn đàn khuyến nông nông nghiệp với chủ đề Nuôi tôm - lúa đạt hiệu quả cao thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 11.5.

Mô hình hiệu quả

Canh tác tôm lúa ở ĐBSCL có lịch sử hơn 50 năm. Mô hình nuôi tôm – lúa có tốc độ tăng trưởng nhanh: Năm 2000 diện tích là 71.000ha, đến năm 2015 đạt 175.000ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng, sản lượng đạt 75.000 tấn.

Năng suất nuôi tôm – lúa bình quân khoảng 300 – 500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa).

Mô hình sản xuất tôm – lúa tại tỉnh Cà Mau mang lại hiệu quả cao. Ảnh: C.L

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y, chất xử lý môi trường tốt hơn; làm sao cho sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ. Còn các cơ quan nghiên cứu, viện, trường cần tiến tới nghiên cứu con giống sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh…Chia sẻ tại diễn đàn, ông Quảng Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, thông tin: Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã xác định nuôi tôm – lúa là loại hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm của tỉnh. Dự kiến đến năm 2020, phấn đấu đạt năng suất tôm nuôi trong mô hình bình quân 0,38 – 0,5 tấn/ha; và năm 2030 diện tích tôm – lúa mở rộng đạt khoảng 90.000ha.

“Trước đây, nông dân trong tỉnh chỉ tập trung trồng lúa với năng suất trên dưới 3 tấn/ha nhưng bây giờ đã chuyển sang mô hình tôm – lúa, năng suất lúa đạt từ 4-5 tấn/ha, nuôi tôm 300-370kg/ha, cá biệt có nơi đạt 450-500kg/ha. Năng suất lúa khá tốt mà tỷ lệ rủi ro lại rất thấp. Cùng với đó, lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với độc canh cây lúa, vốn đầu tư ít, nông dân thu về hai nguồn lợi nhuận từ tôm và lúa” – ông Thao cho biết.

Trong khi đó, ông Võ Văn Bé – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Sản xuất tôm – lúa được xem là mô hình hiệu quả và thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay ở Sóc Trăng, nhiều hộ đang sử dụng giống lúa ST24 trong mô hình, cho hiệu quả cao. Đây là hướng phát triển tốt cho nông dân ở Sóc Trăng trong tương lai.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, hiện nay mô hình sản xuất tôm – lúa vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đa số các hộ thiếu vốn cho nâng cấp và thiết kế mới mương cấp thoát nước, ao ương, ao/mương lắng, cải tạo và mua tôm giống, vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Nông dân chưa quan tâm đúng mức về kỹ thuật canh tác tôm – lúa như sử dụng vôi, phân, tăng kiềm và chế phẩm sinh học, mùa vụ thả giống, thụ động trong công việc quản lý bệnh, quản lý môi trường; không có kiến thức về bệnh, phòng trị bệnh cho tôm/lúa…

Quy hoạch mở rộng diện tích

Thạc sĩ Nguyễn Công Thành – Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: Cần tăng cường công tác tập huấn khuyến nông; Nhà nước hỗ trợ thêm vốn vay ưu đãi, giãn nợ vốn vay cho nông dân. Nông dân nên gia cố lại bờ bao, mở rộng thêm mương, xây dựng mương cấp thoát nước riêng, xây dựng ao ương dưỡng hoặc xây dựng thêm ao nuôi mật độ cao (nếu có điều kiện); mỗi hộ nên trang bị 1 máy bơm nước và lấy nước qua túi lọc/lưới lọc nước.

“Nên chọn tôm giống có nguồn gốc, từ trại uy tín, lần đầu nên thả mật độ thưa (2,0-3,0 con/m2), số lần bổ sung từ 1-2 lần/vụ tương ứng 1,0-1,5 con/m2/lần bổ sung; giống nên được ương dưỡng trước trong ao ương và thả hợp lý nhất khi độ mặn đạt từ trên 8%o. Đối với lúa giống, nông dân nên chọn mua từ trại sản xuất giống hoặc trung tâm giống, viện, trường có khả năng chịu phèn, mặn và kháng trừ sâu bệnh cao” – thạc sĩ Thành khuyến cáo.

Cũng theo ông Thành, nông dân nên quan tâm hơn về kỹ thuật canh tác tôm – lúa như sử dụng vôi, phân, tăng kiềm, chế phẩm sinh học trong vuông nuôi tôm/trồng lúa, môi trường và thay nước có kiểm soát. Nên thả ghép tôm với cua, cá để góp phần cải thiện môi trường và tăng thu nhập.

Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL cũng kiến nghị tuyên truyền, khuyến khích nông dân trong vùng lên kết sản xuất tôm – lúa theo phương thức đồng quản lý; xây dựng các tổ hợp tác, HTX thực hiện tốt các khâu liên kết ngang, thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất tôm – lúa.


Nguồn: Báo Dân Việt

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: