Hàng năm vào mùa mưa, những trận mưa lớn gây lũ đã làm thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Người nuôi cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp và điều trị kịp thời một số bệnh thường gặp cho động vật thủy sản giúp giảm thiểu những rủi ro về dịch bệnh do mưa lũ mang tới.
Phòng bệnh cho tôm
a. Bệnh đóng rong trên tôm:
Đóng rong là một bệnh chủ yếu do môi trường tạo ra trong đó các tác nhân chính là tảo, nấm, động vật nguyên sinh và vi khuẩn tác động lên nhau tạo thành bệnh. Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn tôm giống đến tôm trưởng thành, đặc biệt là vào những tháng cuối của vụ nuôi.
* Đặc trưng của mầm bệnh:
- Phần lớn do một số vi khuẩn gây ra như: Vibrio sp., Aeromonas sp., ... Do một số tảo lam: Spirulina subsalsa, Schizthrix calcicola; Tảo lục: Enteromorpha sp.; Tảo khuê: Amphora sp., Nitszchia sp., loài nấm và nguyên sinh động vật.
* Dấu hiệu nhận biết:
Toàn thân bị dơ, tập trung ở phần đầu ngực hay toàn thân, mang và các phụ bộ. Tôm bị bệnh này rất yếu, bỏ ăn, ít di chuyển và cặp mé bờ, đồng thời mang thường bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc.
* Phương pháp chẩn đoán:
Kiểm tra ký sinh trùng bằng cách soi tươi dưới kính hiển vi kết quả phát hiện thấy Vorticella sp. và Epistylis sp. và nhiều nấm. Xét nghiệm PCR trên tôm bị đóng rong có đến 80% tôm bị nhiễm mầm bệnh đốm trắng với cường độ nặng.
* Biện pháp phòng trị:
- Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm.
- Tăng cường thay nước nhằm cải thiện môi trường đồng thời kích thích cho tôm lột. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, chúng ta có thể dùng formol liều lượng từ 15-20ppm đánh vào ban ngày sau đó thay nước, nếu đóng rong vẫn còn ta có thể đánh tiếp lần hai.
b. Bệnh đốm trắng :
* Tác nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh đốm trắng là: Whispovirus gây ra.
- Tôm bị bệnh đốm trắng nguyên nhân phổ biến là do ấu trùng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên nó có thể lây lan từ nguồn nước lấy vào hay thông qua các loài giáp xác hoang dã.
* Dấu hiệu bệnh lý
Tôm bị bệnh đốm trắng thường có biểu hiện đầu tiên là tôm bơi ở tầng mặt, dạt bờ, kém ăn và xuất hiện những đốm trắng (có đường kính 0,5 – 2mm) trên lớp vở đầu ngực. Những đốm này ở trong lớp vở và không thể loại bỏ bằng việc chà sát. Tôm chết ồ ạt sau 3 – 10 ngày nhiễm bệnh và tỉ lệ có thể lên đến 100%.
* Các biện pháp kiểm soát.
+ Hiện vẫn chưa có biện pháp chữa trị tôm bị nhiễm virus đốm trắng.
+ Sử dụng dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như:
- Cải tạo ao triệt để trước khi đưa vào nuôi.
- Nguồn nước đưa vào ao nuôi phải được xử lý mầm bệnh. Nguồn nước thải của các ao nuôi nhất là trong mùa dịch bệnh cần đưa vào ao xử lý để tiêu diệt mầm bệnh (Chlorine 30 ppm) và giữ ít nhất 4 ngày trước khi thải ra ngoài môi trường.
- Sử dụng con giống sạch đã qua kiểm dịch và xét nghiệm.
- Duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tôm nuôi, không để hiện tượng ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao, giữ sạch đáy ao.
- Sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng của tôm.
- Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn chung các loại vitamin và khoáng chất nhất là vitamin C và β glucan cho vào thức ăn cho tôm ăn.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Nếu phát hiện tôm bị đốm trắng phải thu hoạch ngay để tránh thiệt hại lớn
Nguồn: Trung tâm khuyến nông Hậu Giang