Hiện nay, nuôi tôm thâm canh để tăng tối đa thu nhập hay đa dạng hóa các đối tượng nuôi nhằm phòng ngừa rủi ro là hai xu hướng chung của người nuôi. Trong đó, nhiều mô hình nuôi ghép cá rô phi với tôm nước lợ đang trở nên phổ biến và mang lại hiệu quả bền vững.
Vì sao nên nuôi ghép tôm và rô phi?
Rô phi (Oreochromis spp) là loài cá có thể sống ở cả môi trường nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn. Rô phi là loài ăn tạp, cá có thể ăn thực vật phù du, thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ, động vật không xương sống cỡ nhỏ, động vật đáy, mảnh xác vi khuẩn… Khi bắt mồi cá rô phi tiết ra một loại chất keo trong khoang miệng, chất keo này có thể kết dính thức ăn bao gồm thực vật phù du, xác vi khuẩn, mùn bã hữu cơ và các vật chất nhỏ khác. Trong hệ sinh thái ao nuôi, vi sinh vật có sẵn trong ao hoặc vi khuẩn từ phân rô phi có vai trò hấp thu và chuyển hóa các khí độc (NH3, NO2-, NO3-, H2S…) thành các chất khác; đồng thời kích thích tảo Chlorella phát triển trong ao.
Cá rô phi và tôm thẻ chân trắng đều sống đa tầng. Cá rô phi không mang mầm bệnh virus và vi khuẩn của tôm. Bên cạnh đó, chúng ăn tôm yếu, tôm chết và các giáp xác là vật chủ mang mầm bệnh cho tôm. Vi khuẩn gây bệnh trên tôm chủ yếu là vi khuẩn gram âm, nhưng vi khuẩn gram dương lại chiếm ưu thế trong nước ao nuôi cá. Vì vậy, dùng nước ao nuôi cá để nuôi tôm có thể hạn chế bớt mầm bệnh. Dựa vào đặc điểm dinh dưỡng và tập tính sống của tôm, cá rô phi và các tác động qua lại giữa hai đối tượng này, người nuôi có thể nuôi chúng cùng nhau nhằm giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh và phát triển bền vững.
Nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm giúp hạn chế dịch bệnh - Ảnh: ST
Tôm nuôi ghép cá rô phi trong ao đất
Cá rô phi được thả trực tiếp vào ao nuôi tôm. Mật độ thả tôm khoảng dưới 10 con/m2 và 5 - 8 rô phi/10 m2. Ưu điểm của hình thức nuôi này là cá rô phi ăn xác tôm bệnh, tôm chết và mùn bã hữu cơ nên góp phần giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi và hạn chế phát tán nguồn bệnh. Tuy nhiên, cá rô phi có thể ăn tôm mới lột xác nên dẫn đến tình trạng hao hụt tôm, đây được xem là nhược điểm của mô hình này. Bên cạnh đó, trong ao nuôi ghép thâm canh, cá rô phi sẽ ăn thức ăn của tôm, vì vậy sẽ làm tiêu tốn thức ăn. Do đó, phương thức nuôi ghép này chỉ thích hợp với hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Hiện, mô hình này đang được áp dụng tại nhiều hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh trong cả nước.
Nuôi rô phi trong giai ở ao tôm
Để thực hiện mô hình này, người nuôi cần quây khung, căng lưới để thả cá rô phi. Lưới được cắm ở giữa ao nuôi. Ưu điểm của mô hình là cá rô phi được ngăn cách với tôm, do đó chúng chỉ có thể ăn chất thải của tôm, không ăn được thức ăn của tôm và tôm mới lột xác. Tuy nhiên, điểm hạn chế là khung lưới chỉ có tác dụng trong thời gian đầu. Sau một thời gian nuôi, cá rô phi có thể đào hang và thoát ra khỏi khung lưới, rô phi con phát triển ở toàn bộ ao nuôi, dẫn đến cạnh tranh thức ăn và ăn tôm lột xác. Việc gom bùn thải vào hố xi phông không đạt hiệu quả do bị lưới bám bẩn. Ở nước ta, mô hình này xuất hiện nhiều tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa…
Dùng rô phi xử lý nước ao tôm
Hệ thống nuôi này cần thiết kế ao nuôi tôm, ao chứa nước thải và ao lắng riêng. Ao nuôi tôm cần được lót bạt. Cá rô phi được thả vào ao lắng, cỡ cá thả từ 50 g/con trở lên, mật độ 1 - 1,5 con/m2. Thời gian thả cá rô phi cùng thời điểm thả tôm. Trong suốt thời gian nuôi tôm, không cho rô phi ăn để chúng sử dụng nguồn thức ăn là chất thải từ ao nuôi tôm và tảo có trong nước giúp ổn định môi trường nước, hạn chế sự phát tán của vi sinh vật gây bệnh. Lấy nước đã xử lý qua ao nuôi rô phi và các chỉ tiêu môi trường cần đảm bảo: DO > 4 mg/l; pH trong khoảng 7,6 - 8; Ðộ mặn 5 - 20‰ thì được bơm vào ao nuôi tôm. Tôm được thả với mật độ từ 70 đến 100 con/m2. Chất thải ao nuôi tôm (bùn thải và chất thải lơ lửng) được xi phông từ ao nuôi tôm sang ao nước thải, phần lớn bùn sẽ chìm xuống ngăn này sau đó bơm nước sang ao nuôi rô phi. Ở đây, nước sẽ được cá rô phi làm sạch và người nuôi có thể sử dụng tái cấp vào ao tôm. Sau khi thu hoạch tôm, tiếp tục nuôi cá rô phi cho đến khi đạt cỡ thu hoạch (từ 600 g trở lên). Giai đoạn này, có thể bổ sung thức ăn công nghiệp để cá rô phi đạt cỡ thu hoạch nhanh hơn. Ưu điểm của mô hình này là không xả nước và bùn thải ra môi trường, kiểm soát được chất lượng nước và hạn chế mầm bệnh. Mô hình được áp dụng tại Nam Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Sóc Trăng và thu được kết quả khả quan.
>> Nuôi tôm thâm canh dễ gây ra ô nhiễm môi trường do lượng chất thải lớn từ thức ăn dư thừa và chất thải của tôm… Những năm gần đây, mô hình nuôi ghép tôm và cá rô phi được thực hiện nhiều ở các địa phương nhờ những ưu điểm như hiệu quả cao, giảm chi phí và dịch bệnh. |
Nguồn: Thủy sản Việt Nam