Gác lại những cung bậc cảm xúc vui, buồn, tiếc nuối, người nuôi tôm ở Sóc Trăng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hăm hở chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới khi độ mặn năm nay về sớm hơn mọi năm hơn 1 tháng và giá tôm vẫn còn giữ vững ở mức cao. Do đó, dù có những thông tin bất lợi về thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ tư của Việt Nam trong năm 2019, người nuôi tôm vẫn kỳ vọng vào một vụ nuôi thành công trong năm 2020 này.
Thực hiện mô hình tôm sạch mang lại hiệu quả kinh tế và tính bền vững.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến trung tuần tháng 2, toàn tỉnh đã thả nuôi 1.500ha tôm nước lợ, chủ yếu là tôm thẻ và phần lớn đều đang phát triển tốt. Tuy được đánh giá là rất khả quan, nhưng theo thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ vẫn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đến từ thời tiết, dịch bệnh, giá cả và đặc biệt là quy định về truy xuất nguồn gốc từ các thị trường nhập khẩu tôm. Trước những khó khăn được dự báo trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo cho sự thành công của vụ tôm này, như: thúc đẩy các giải pháp giảm giá thành, nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số hộ nuôi, vùng nuôi… Đặc biệt là sự linh hoạt trong việc xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi nhằm xác định thời điểm thả nuôi thuận lợi nhất, giúp người nuôi hạn chế rủi ro, thiệt hại. “Tuy khó khăn, thách thức vẫn còn, nhưng ngành và người nuôi tôm trong tỉnh vẫn tự tin hướng đến vụ nuôi thành công” – thạc sĩ Bình chia sẻ.
Doanh nghiệp vẫn thu mua tôm nguyên liệu phục vụ chế biến với giá khá cao.
Đối với người nuôi tôm, mỗi vụ nuôi luôn mang theo một sự kỳ vọng, đó là nuôi trúng mùa và bán được giá cao. Vụ tôm năm nay cũng có những dự báo thuận lợi lẫn khó khăn, nhưng theo đánh giá của người nuôi tôm, việc nuôi tôm năm nay cũng sẽ thuận lợi không thua gì năm 2019 và thị trường cũng sẽ tốt hơn khi có sự tiếp sức từ hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để biến kỳ vọng thành hiện thực luôn là điều không hề dễ dàng, nhất là đối với nghề nuôi tôm vốn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có nhiều lý do để người nuôi tôm đặt kỳ vọng lớn vào sự thành công ở vụ nuôi năm 2020 này, trong đó có sự quyết liệt từ ngành chức năng trong việc siết chặt công tác quản lý về chất lượng vật tư đầu vào sẽ giúp đảm bảo hơn về mặt chất lượng, từ đó giúp giảm được giá thành. Đối với vấn đề thị trường, con tôm của Việt Nam không chỉ bán ở Trung Quốc mà còn nhiều thị trường lớn khác, nên chỉ cần người nuôi đạt năng suất, chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý vẫn đảm bảo có lời.
Dù có những khó khăn, thách thức nhất định, nhưng người nuôi tôm vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công ở vụ tôm nước lợ năm 2020 này.
Chia sẻ về tình hình vụ tôm năm nay, anh Lâm Minh Lớn, ở xã Hòa Tú II (Mỹ Xuyên) cho biết: “Năm nay độ mặn lên sớm, đến giờ này đã đạt trên 10%o nên rất thuận lợi cho những mô hình nuôi tôm thẻ lót bạt đáy. Hiện ở đây có một số hộ đã thả nuôi và tôm đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, phần lớn hộ nuôi ao đất đều trong giai đoạn cải tạo ao và phải đến tháng 3 mới có thả giống. Giá tôm từ cuối vụ năm 2019 đến nay vẫn còn khá cao nên người nuôi tôm chúng tôi cũng có thêm tự tin bước vào vụ nuôi mới. Nói chung, các yếu tố liên quan đến ngành tôm hiện đang rất tốt và người nuôi tôm kỳ vọng sẽ có vụ nuôi trúng mùa và nếu bán giá cao nữa thì càng tốt”.
Tuy có đôi chút lo lắng về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường tôm thế giới, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng vẫn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp vào vụ tôm năm 2020 này. Theo các doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, khiến việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tại các cửa khẩu biên giới gặp khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn, trong khi thời điểm này tôm sú cỡ lớn hết vụ, sản lượng cuối mùa không đủ trả các hợp đồng các thị trường khác, nên cơ bản không ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, hiện nhiều nước đang ráo riết sản xuất vaccin, thuốc phòng trị dịch bệnh Covid-19, nên hy vọng dịch bệnh này sẽ được khống chế và mọi hoạt động xuất khẩu sớm trở lại bình thường.
Sự tự tin và kỳ vọng thị trường không bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 của các doanh nghiệp được thể hiện rõ qua việc tôm nuôi vẫn được các doanh nghiệp thu mua bình thường từ đầu năm đến nay với mức giá luôn cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: giá tôm thẻ loại 100 con/kg có giá dao động 90.000 – 101.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 124.000 – 138.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 155.000 – 165.000 đồng/kg… Ngoài ra, các doanh nghiệp của Sóc Trăng cũng đã thả nuôi vụ tôm mới hàng trăm hécta với hầu hết nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao để chủ động một phần nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Nguồn: Báo Sóc Trăng