Muốn xây dựng thương hiệu tôm Việt phải có tôm sạch

Thursday,
30/01/2020
0

“Thương hiệu chỉ hình thành trên nền tảng có đủ tôm sạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận quốc tế và đây được xem là điểm cốt lõi, tạo ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu nhanh nhất”.

Và đó cũng là lý do các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây tích cực và chủ động đầu tư quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi tôm cho riêng mình.

Tùy theo điều kiện và năng lực của mình, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã chọn cho mình một hình thức đầu tư vùng nguyên liệu khác nhau như: Thuê đất, mua đất để nuôi; Liên kết với các tổ chức hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đầu tư, tiêu thụ tôm nuôi đạt chuẩn quốc tế, chất lượng tôm sạch, không nhiễm kháng sinh hay chất cấm.

Tuy cách làm của mỗi doanh nghiệp có khác nhau, nhưng đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều đã xây dựng được cho riêng mình vùng nuôi tôm dễ truy xuất nguồn gốc, đạt chứng nhận quốc tế rộng hàng trăm héc – ta. Một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay như Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh, Khánh Sủng…

Theo các doanh nghiệp trên, chỉ có xây dựng được vùng nuôi tốt, đạt chứng nhận quốc tế mới chứng minh được với khách hàng về nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm mới vào được hệ thống phân phối lớn, có giá trị tốt và ổn định. Do đó, tất cả những vùng nuôi cả các doanh nghiệp như Sóc Trăng đều ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi tôm sạch, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và thực hành nuôi theo các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP.

CẦN SỰ NĂNG ĐỘNG TỪ CÁC DOANH NGHIỆP

Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) cũng có vùng nuôi tôm riêng trên diện tích đất hơn 100ha, đạt chứng nhận ASC và đang tiếp tục mở rộng thêm. Không chỉ tự xây dựng vùng nuôi, Vinacleanfood còn ký kết hợp đồng liên kết chuỗi giá trị tôm đạt chứng nhận ASC hoặc tôm sạch không dư lượng chất cấm với các HTX trong tỉnh. Tương tự, các doanh nghiệp khác như Khánh Sủng, Satapimex, Út Xi cũng tự đầu tư vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế và hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận ASC với THT, HTX trong tỉnh.

Không chỉ các doanh nghiệp Sóc Trăng, các doanh nghiệp tại những tỉnh có vùng nuôi tôm lớn như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang .. cũng đều xây dựng những vùng nuôi riêng thông qua việc thuê đất hoặc hợp đồng liên kết với các HTX, THT để đầu tư nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt tại Cà Mau, tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù, các doanh nghiệp đã liên kết với người dân, thực hiện các mô hình nuôi tôm sinh thái hay tôm hữu cơ theo hình thức tôm – rừng hay tôm – lúa.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau cho biết, ngay từ năm 2000,  Camimex đã đầu tư vùng nuôi đạt chứng nhận tôm sinh thái. Không chỉ được tiêu thụ với giá cao hơn 20% sản phẩm tôm sinh thái của Camimex còn giúp tạo lập nên thương hiệu riêng cho công ty trên thị trường thế giới. Hiện Camimex đang hợp tác với một doanh nghiệp của Israel triển khai nuôi tôm công nghệ RAS năng suất cao, nhưng rất thân thiện với môi trường”.

Nhắc đến con tôm sinh thái hay tôm hữu cơ không thể không nhắc đến Tập đoàn Minh Phú, một đơn vị tiên phong trong việc phát triển vùng nuôi tôm – rừng đạt các chứng nhận sinh thái, hữu cơ và đang phát triển rộng ra mô hình nuôi tôm hữu cơ với chủ yếu là tôm – lúa.

Theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Vinacleanfood, việc đầu tư vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đạt chứng nhận quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc, chất lượng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm mà con giúp nâng cao uy tín doanh nghiệp với các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, từ đó giúp cho việc xây dựng thương hiệu tôm của doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Ngoài ra, việc tự đầu tư nuôi tôm cũng được doanh nghiệp xác định là hướng làm kinh tế rất hiệu quả, làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp từ đó giúp tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi tôm, muốn có vùng nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế cần có diện tích lớn, nguồn vốn đầu tư dồi dào, trong khi nguồn nhân lực của doanh nghiệp thì có hạn. Do đó, để có đủ nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế, dễ truy xuất nguồn gốc nhằm phục vụ cho mục tiêu xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành nên có chính sách khuyến khích nuôi trang trại, nuôi kết hợp trong THT, HTX… Các địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể và nên có quỹ đất sạch xây dựng các dự án nuôi tôm kêu gọi nhà đầu tư.

Tham gia thương trường thế giới trên 40 năm, đến nay, con tôm Việt đã bơi khá xa, được nhập khẩu và tiêu thụ bởi hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu tôm Việt đến nay chưa có sự tiến triển mạnh.

Để làm tốt công tác xây dựng thương hiệu cho con tôm – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cần có sự phối hợp cấp vĩ mô, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Chính phủ cần tạo ra những hành lang thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp quyết tâm xây dựng thương hiệu cho mình. Việc nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, bóng dáng thương hiệu quốc gia tôm Việt sẽ dần rõ nét hơn.

Nguồn: Báo Người nuôi tôm

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: