Ngày 25/11/2013, tại Hội trường UBND tỉnh Cà Mau, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị Nuôi tôm các tỉnh phía Nam năm 2013 và triển khai kế hoạch 2014. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau đồng chủ trì.
Năm 2013 đánh dấu ngành tôm nuôi nước lợ phục hồi sản xuất, được mùa được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh, xác định được hướng phát triển rõ ràng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt 652.612 ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm 2012; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 588.894 ha, tôm thẻ chân trắng 63.719 ha. Sản lượng thu hoạch là 475.854 tấn (sản lượng tôm sú là 232.853 tấn, tôm thẻ chân trắng là 243.001 tấn). Giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so cùng kỳ 2012 và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Về sản xuất giống, cả nước có 1.722 cơ sở sản xuất tôm sú và 583 cơ sở tôm thẻ chân trắng; sản lượng giống sản xuất ước khoảng 68,4 tỷ con (tôm sú 21,3 tỷ; tôm thẻ chân trắng 47,2 tỷ), tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nam bộ; trong đó, tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên chiếm khoảng 40% tổng số trại sản xuất giống tôm trên cả nước.
Điểm nổi bật vụ nuôi tôm 2013 là sự sụt giảm sản lượng của các nước trong khu vực do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, nhu cầu nguyên liệu tăng kéo theo giá tôm tăng cao. Mặt khác, tôm thẻ chân trắng hiện đang được thả nuôi và diện tích và sản lượng ngày càng tăng, vượt mức kế hoạch…
Tuy nhiên, ngành tôm nuôi nước lợ vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại. Trong xuất khẩu thì việc Trung Quốc tận thu tôm nguyên liệu cộng với giá tôm thương phẩm tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp “mắc kẹt” khâu đầu ra. Còn với nuôi trồng, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, số hộ thua lỗ không ít, dịch bệnh phần nào được khống chế nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Do vậy, để nuôi tôm nước lợ thật sự bền vững thì ngành còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là với cơ quan quản lý.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Năm 2013, tuy một số hộ và vùng nuôi chưa hoàn toàn thắng lợi, nhưng có thể nhận định chung là là được mùa được giá, đặc biệt là đặt trong bối cảnh các nước khác đang còn nhiều khó khó khăn. Năm nay, diện tích tương đương năm ngoái nhưng sản lượng tăng hơn. Đặc biệt, là tôm thẻ chân trắng đã lập hai “kỷ lục”, đó là sản lượng và giá trị vượt tôm sú. Để có thành công này, bên cạnh cố gắng của người nuôi và doanh nghiệp là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, khi kiểm soát giống tốt hơn, lần đầu tiên sang các nước sản xuất tôm bố mẹ để kiểm tra chất lượng nguồn giống, kiểm soát tốt dịch bệnh (đặc biệt là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp), thanh kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào, đấu tranh quyết liệt với các rào cản thương mại… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, như lịch thời vụ và quá trình nuôi đưa ra chưa kịp thời và đáp ứng được nhu cầu, việc lấy mẫu và lập bản đồ dịch tễ chưa chủ động, bộ máy quản lý chưa kiện toàn...
Đồng thời, Thứ trưởng chỉ đạo, năm 2014, cơ quan quản lý cần tiếp tục bám sát thị trường để chỉ đạo sản xuất, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng, nhằm tranh thủ điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển, tuy nhiên, vẫn phải giữ cơ cấu nuôi tôm sú. Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác dự báo thị trường, lấy đó làm căn cứ để đảm bảo sản xuất; phải ban hành quy hoạch nuôi tôm nước lợ; đảm bảo số lượng và chất lượng tôm giống, chất lượng vật tư đầu vào, đưa khung thời vụ sát và phù hợp hơn…
Thủy sản Việt nam