Ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành thủy sản năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra. Tham dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm qua mặc dù phải đối mặt với các khó khăn thách thức về thời tiết, dịch bệnh, các rào cản thị trường cùng những biến động trên biển Đông; nhưng lĩnh vực thủy sản vẫn giành thắng lợi lớn, đóng góp quan trọng vào những kết quả khá toàn diện của ngành nông nghiệp
Về nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, có sự chuyển dịch khá rõ nét trong điều chỉnh cơ cấu giữa các đối tượng nuôi (nhất là đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú), phát huy được thời cơ, lợi thế của sản xuất tôm của Việt Nam. Để hoạt động khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản, giảm tổn thất sau khai thác… đã được chú trọng. Đặc biệt, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo tiền đề cho thực hiện chính sách lớn về phát triển thủy sản để khai thác hiệu quả nguồn lợi, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Kết quả năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4,4% so năm 2013 và tăng 1,7% so kế hoạch; Trong đó, khai thác thủy sản 2,7 triệu tấn (tăng 3,9%), nuôi trồng 3,6 triệu tấn (tăng 4%); riêng sản lượng tôm nuôi đạt 660.000 tấn, tăng 112.000 tấn (tăng 20,4%). Giá trị xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18% so năm trước và vượt 11,6% so kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành thủy sản - một trong hai đầu tàu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như triển khai thực hiện chủ trương khai thác trên biển còn chậm, đặc biệt là nâng cao hiệu quả điều chỉnh cơ cấu nghề, ứng dụng KHKT, kỹ thuật ứng dụng trên tàu cá… Bên cạnh đó, quản lý vật tư, thiết bị, giống, môi trường… còn nhiều bất cập, nên ngành thủy sản luôn thường trực nỗi lo kém bền vững trong nuôi trồng, liên quan tới dịch bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Mặt khác, tổ chức sản xuất chậm đổi mới, sự hợp tác và liên kết còn yếu giữa đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ còn lỏng lẻo…
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu của ngành thủy sản là hiện đại hóa nâng cao hiệu quả và tính bền vững cả trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, thông qua việc thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành gắn với nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
>> Mục tiêu cụ thể năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so năm 2014; Trong đó, khai thác 2,7 triệu tấn (tăng 0,7%), nuôi trồng 3,95 triệu tấn (tăng 9,7%).
Theo Thủy sản Việt Nam