Bước vào mùa mưa bão, cũng như nhiều ngành sản xuất nông nghiệp khác, thủy sản là lĩnh vực rất dễ bị “tổn thương”. Toàn ngành thủy sản đang tập trung kế hoạch ứng phó mưa, bão.
Toàn ngành thủy sản tập trung ứng phó mưa, bão.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ở Việt Nam, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường đã xảy ra như mưa to kèm dông lốc, mưa đá; mùa bão năm nay cũng có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm... Trước diễn biến phức tạp này, ngay từ đầu mùa, ngành thủy sản đã đề ra nhiều biện pháp để phòng, chống và khắc phục các rủi ro khi mưa lũ đến.
Rút kinh nghiệm từ các năm gần đây, năm nay ngành thủy sản và các địa phương phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản như Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã sớm có kế hoạch để phòng, chống mưa bão. Trước hết, chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu; bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó; thông tin đầy đủ về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp cụ thể phòng, chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa bão, lũ xảy ra để các cơ sở nuôi ổn định sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý ao, đầm, bảo vệ tài sản. Đối với ao nuôi cá nước ngọt ở các vùng úng trũng, hằng năm thường bị ảnh hưởng khi lũ về, người nuôi cần có kế hoạch sản xuất để tiến hành thu hoạch trước, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra. Đối với những ao không bị ảnh hưởng trực tiếp lũ lụt, người nuôi cần củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,5 m trở lên. Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ gia cố hệ thống bờ bao, cống đề phòng khi có tình huống xấu xảy ra. Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn thì có thể dùng lưới ni-lông cùng với các cột gỗ quây chung quanh ao để tránh cá ra ngoài khi nước dâng cao, tràn bờ.
Đối với nuôi tôm nước lợ, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, như: Gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước. Trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Khi trời mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.
Đối với nuôi thủy sản trên biển cần tiến hành thu hoạch trước mùa mưa bão nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa bão thì cần kiểm tra, tu sửa lại lồng, bè, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.
Sau khi mưa bão, cần tiến hành xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng, bè nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép; di chuyển lồng, bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp (nếu cần thiết); bổ sung vi-ta-min hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm). Trong trường hợp có thủy sản bị chết thì xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương (tiến hành tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước).
Trong Công văn số 1451/TCTS-NTTS gửi đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 27-8-2020, Tổng cục Thủy sản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành chủ động thực hiện và phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện việc rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão. Hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định tại Nghị định 02/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Nguồn: Báo Nhân Dân
Unwignise Trả lời
17/05/2022What is the most effortless walking speed for a person with cmlong legs if the length of each step is cm https://newfasttadalafil.com/ - non prescription cialis online pharmacy Wwhyte Imbhzt cialis cheap price Cialis Qaytud https://newfasttadalafil.com/ - Cialis Rqetgw