Ngành tôm 2015: Hướng đến nuôi tôm an toàn dịch bệnh

Monday,
12/02/2018
0

Dù là lĩnh vực có đóng góp chính về giá trị cho ngành thủy sản năm 2014, nhưng đề ngành tôm phát triển bền vững, cần có những bước đi vững chắc, cùng sự đầu tư công nghệ, áp dụng mô hình nuôi an toàn sinh học.


Nỗi lo dịch bệnh

Năm 2014, cả nước có 30 địa phương nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi đến tháng 11/2014 là gần 679.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là gần 585.000 ha, tôm thẻ chân trắng là trên 94.000 ha. Sản lượng thu hoạch trên 593.000 tấn (tôm sú 251.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 342.000 tấn).

Cùng với sự gia tăng diện tích, sản lượng là vấn đề dịch bệnh cũng bùng phát mạnh, không có dấu hiệu suy giảm. Báo cáo của Cục Thú y, năm 2014 dịch bệnh xảy ra tại 250 xã của trên 20 tỉnh, 69 huyện thị, gần 50.000 ha. Diện tích dịch bệnh gia tăng qua các năm; theo đó, rủi ro trong nuôi tôm rất cao. Dịch bệnh trên tôm tập trung hai bệnh chính là đốm trắng, gan tụy, quan điểm đưa ra là phải chăng bệnh đốm trắng là do tác động thời tiết, tăng trưởng nuôi, người nuôi chưa thực sự tuân thủ nghiêm quy trình nuôi an toàn, phần nào liên quan đến chất lượng giống hiện nay. Về bệnh đốm trắng thì Sóc Trăng là địa phương đứng đầu về bệnh tôm; 2014 riêng đốm trắng chiếm 51,78% tổng diện tích bị bệnh cả nước.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam3666-.jpg

Năm 2014, có 50.000 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh - Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Hướng đến bền vững

Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, nuôi tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thiệt hại về nuôi tôm và yếu tố môi trường lớn, giải pháp nuôi tôm an toàn dịch bệnh giảm thiểu rủi ro cho người dân là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn.

Mặt khác, thực tế sản xuất giai đoạn qua của nghề nuôi tôm nước lợ chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có và phát triển thiếu tính bền vững. Bởi, ngành tôm mới phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa chú trọng đến việc phát triển theo chiều sâu để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Việc phát triển nuôi tôm nước lợ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ vẫn còn xảy ra liên tục ở nhiều vùng nuôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm; cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm nước lợ, nhất là hệ thống thủy lợi còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được đòi hỏi của nghề nuôi thủy sản; công tác quản lý kiểm soát môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi và kiểm soát các dư lượng hoá chất dùng trong nuôi tôm còn thiếu và yếu…

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, để nuôi vùng ĐBSCL an toàn dịch bệnh, hướng đến việc nuôi tôm đạt sản lượng và lợi nhuận cao hơn và giảm thiểu sự rủi ro trong quá trình nuôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng những tiến bộ, kỹ thuật mới, cách nuôi mới rất cần thiết; trong đó, người nuôi cần tuân thủ đúng quy hoạch của ngành chức năng, đúng khung lịch thời vụ; chọn lựa con giống đạt chất lượng và đạt kích cỡ khi nuôi. Đồng thời, phải kiểm tra dịch bệnh trước khi thả nuôi; quan trọng là hiện nay, người nuôi cần chú ý nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học vì vừa bán được giá cao, vừa bảo vệ môi trường, hướng đến một ngành nuôi trồng thủy sản bền vững và hiệu quả. Ngoài ra, cần tập trung vào quy hoạch, thủy lợi của từng vùng cũng như trong cả nước.

Năm 2014, Bộ NN&PTNT yêu cầu hoàn thiện quy hoạch nuôi tôm nước lợ, chất lượng con giống, kiểm soát môi trường dịch bệnh, thuốc, hóa chất các chất xử lý cải tạo môi trường…

>> Để đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2015, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã, xây dựng khung mùa vụ thả tôm nước lợ năm 2015 từ khảo sát tình hình nuôi tôm tại một số tỉnh trọng điểm và tổng hợp kết quả nuôi tôm nước lợ năm 2014 của các địa phương. Theo đó, yêu cầu các địa phương hướng dẫn người nuôi tuân thủ nghiêm lịch mùa vụ, áp dụng những mô hình nuôi tôm sử dụng vi sinh, hạn chế hóa chất, kháng sinh, nuôi xen canh…



Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: