Ngành tôm ấm dần

Tuesday,
13/02/2018
0

Sau nhiều tháng xuất khẩu gặp khó khăn, kéo theo giá thấp, hiện tôm nguyên liệu tại ĐBSCL có dấu hiệu tăng giá khá mạnh.


Đây là tín hiệu vui cho ngành tôm, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua, chế biến phục vụ thị trường cuối năm.

Giá tăng

Giá tôm sú đang tăng khá nhanh do loài tôm này chủ yếu nuôi quảng canh và tôm - lúa nhưng đã vào cuối vụ nuôi, sản lượng không còn nhiều.

Ông Mười Oai (Trần Văn Oai), xã Đồng Hòa, An Minh, Kiên Giang vừa thu hoạch được hơn 30 kg tôm sú nuôi trong ruộng lúa cho biết: “Bây giờ còn lại chủ yếu là tôm cù (còn sót lại trong vụ nuôi chính) nên số lượng không nhiều nhưng bù lại tôm đạt cỡ lớn (18 - 20 con/kg), giá bán khá cao 250.000 - 260.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 10. Tôm loại 30 con giờ cũng tăng lên được 175.000 đồng/kg. Giá tôm đang tăng lên nhưng nông dân cũng không còn nhiều để bán”.

Tương tự, tôm thẻ chân trắng cũng tăng giá khá mạnh. Tại Cà Mau, sau những ngày tháng ảm đạm, hiện tình hình giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn đã khả quan hơn rất nhiều. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, nếu như giá tôm loại 100 con/kg ngày 13/10 chỉ ở mức 78.000 đồng/kg, đến ngày 22/10 đã tăng lên 82.000 đồng/kg.

Giá tôm hiện tại còn cao hơn rất nhiều, ông Hồ Xuân Việt, đại lý tôm tại xã Hòa Thành (TP.Cà Mau) cho biết, giá tôm loại 100 con/kg đang được thu mua tại vuông với giá 90.000 đồng/kg. Với cách tính của người mua, cứ tăng 1 con, sẽ thêm giá 500 đồng, thì loại 70 con có giá lên tới 105.000 đồng/kg. “Tôi mới thu hoạch tôm hơn 1 tháng giá tôm có 75.000 đồng/kg, nếu được giá như hiện nay thì ăn đạm rồi”, ông Việt xuýt xoa nói.

Người nuôi tôm đang rất phấn khởi sau những tháng ngày trầm lắng giá tôm tăng mạnh trở lại

Con tôm tăng giá trong giai đoạn cuối năm đã được dự đoán trước, tuy nhiên với mức tăng giá mạnh như hiện nay, người nuôi rất phấn khởi và cũng không khỏi bất ngờ.

Về xã Hòa Thành những ngày này, mới thấy “mùa xuân” trên khuôn mặt người nuôi. Đang ở ngoài 2 đầm tôm, với diện tích gần 3.000 m2, ông Kiều Minh Dũng (ấp Bùng Binh 1) khoe rằng: “Tôm đã qua được 80 ngày rồi, hiện đã đạt khoảng 70 con/kg. Nếu giữ được giá như hiện tại, vụ này tôi kiếm lời gấp đôi vụ trước”.

Ông Dũng kể cho chúng tôi nghe, vụ trước (vào khoảng tháng 6) cũng trên 2 ao nuôi trên ông thu hoạch được hơn 3 tấn tôm, một ao cỡ 57 con/kg, một ao cỡ 70 con/kg, lời được có hơn 100 triệu. Ông tiếc đớ người, cũng đành chịu vì giá thấp. Thấy tình hình đang khả quan, ông Dũng và nhiều người nuôi trong vùng đang kỳ vọng lớn vào vụ tôm cuối năm.

Từ nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao vào dịp cuối năm, kéo theo giá tôm lên từng ngày. Không khí nuôi tôm công nghiệp tại các huyện Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau) đã khác hẳn, nhiều hộ đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Văn Thoái, hộ nuôi tại ấp Tân Thành Mới, xã Rạch Chèo (Phú Tân) chia sẻ: Vụ vừa qua tôi đầu tư diện tích 5.000 m2, sản lượng thu hoạch được 8 tấn. Số tiền thu được hơn 1 tỷ, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Tôi tính để cuối năm mới đầu tư lại, nhưng thấy giá tôm cao quá, muốn làm luôn một vụ nữa. “Giá tôm như hiện nay nuôi được là ngon, phải đầu tư gấp để thu hoạch sớm”, ông Thoái nói.

 

Xuất khẩu khả quan

Ông Lê Minh Tâm, Phó TGĐ Công ty CP Thủy sản Trung Sơn cho biết: Bắt đầu từ tháng 11, Cty đã phải tăng thêm công nhân chế biến tại nhà máy (khoảng 500 công nhân) để đáp ứng đơn hàng đang tăng lên.

“Thông thường các tháng cuối năm nhu cầu của các nước nhập khẩu sẽ tăng mạnh để đáp ứng dịp lễ Noel và đón năm mới. Hơn nữa, hiện nay giá đồng nội tệ của các nước nhập khẩu lớn như: Euro, USD, yên Nhật… đã ổn định nên việc xuất, nhập hàng cũng tốt hơn. Vì vậy, dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ tăng dần vào những tháng cuối năm là có cơ sở”, ông Tâm Nhận định.

Nhiều DN phải tăng thêm số lượng công nhân để đảm bảo đủ hàng cung ứng cho thị trường XK giai đoạn cuối năm

Để đáp ứng cho nhu cầu tôm nguyên liệu cho những tháng cuối năm, Công ty CP Thủy sản Trung Sơn đang thả nuôi trên 100 ao tại vùng nuôi thuộc huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Tuy nhiên, do lo ngại dịch bệnh nên mật độ thả thưa hơn mọi năm, vì vậy sản lượng thu hoạch không nhiều.

“Để đảm bảo sản xuất, Công ty đang thu mua thêm từ các hộ dân thả nuôi bên ngoài, đây cũng là cách giữ mối để làm ăn lâu dài. Ngoài ra, công ty còn có kho lạnh với sức chứa 1.000 tấn, đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến khoảng 2 tháng, trong khi chờ nối vụ nuôi”, ông Tâm nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau phấn khởi nói: “Tốt hơn nhiều rồi, đơn hàng xuất đi nhiều hơn, sản lượng XK tăng từng tuần. Giá tôm nguyên liệu đã tăng lên 92.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), cao hơn tuần trước 5.000 đồng/kg. Hiện một số DN trên địa bàn đang thiếu hàng để chế biến”.

Là Tập đoàn đứng đầu cả nước về XK tôm, ông Chu Văn An, Phó Tổng GĐ Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: Đánh giá tình hình chung, năm nay kém hơn năm rồi, chủ yếu do phá giá đồng tiền, chênh lệch tỷ giá đã gây rất nhiều khó khăn cho con tôm của ta. Tuy nhiên, trong tháng 10 lượng hàng XK của Cty đã tăng khá, trong tháng 11 này hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng.

Trong năm 2014, Tập đoàn Minh Phú XK đạt hơn 700 triệu USD, lượng hàng xuất đi khoảng 70.000 - 80.000 tấn tôm thành phẩm. Hiện lượng hàng xuất đi của Minh Phú giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Nguồn cung sản lượng tôm hiện tại đáp ứng được khoảng 80% năng lực của đơn vị. Do chủ động vùng nuôi (đáp ứng được khoảng 5 - 10%) và nguồn cung nguyên liệu từ các tỉnh trong vùng nên áp lực thiếu nguyên liệu là không đáng kể.

Đánh giá tổng quan vấn đề, ông An khẳng định, tình hình XK giai đoạn cuối năm sẽ sáng sủa.





Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: