Sáng 1/3, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), đã diễn ra hội nghị phát triển kế hoạch ngành tôm, tập trung bàn giải pháp, kế hoạch thả nuôi tôm năm 2018 và giới thiệu, triển khai kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đồng chủ trì hội nghị
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá: Năm 2017, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nhất là thiên tai, thời tiết bất lợi và đã giành được thắng lợi toàn diện, đặc biệt là ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, trong đó có đóng góp to lớn của con tôm nuôi. Nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản là phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, tại ĐBSCL, Kiên Giang là tỉnh đứng thứ 3 về diện tích và đứng thứ 4 về sản lượng tôm nuôi. Năm 2018, tỉnh kế hoạch thả nuôi gần 120 ngàn ha tôm, sản lượng đạt 69 ngàn tấn. Về giải pháp, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ao nuôi có mái che, nuôi 2 giai đoạn, nuôi sinh thái tôm – lúa và nuôi ghép với các đối tượng khác. Giá trị nuôi tôm của Kiên Giang hiện bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, vượt xa nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi khác.
“Là tỉnh dẫn đầu khu vực về diện tích thả nuôi tôm, Cà Mau sẽ tập trung quy hoạch sản xuất tập trung nuôi thâm canh, siêu thâm canh; siết lại việc quản lý nuôi tôm phân tán; mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái, luân canh tôm – lúa, tiến tới nuôi hữu cơ; cấp chứng nhận cho các mô hình nuôi đạt tiêu chuẩn; hoàn thiện nhân rộng mô hình nuôi liên kết; đẩy mạnh việc phòng, chống đưa tạp chất vào tôm, tiến tới liên kết chuỗi để chấm dứt tình trạng này”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu các giải pháp sẽ triển khai trong vụ tôm nuôi 2018 cũng như các năm tới.
Tương tự, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển khu nuôi tôm công nghệ cao, xác định đây là hạt nhân, từ đó tạo sức lan tỏa, cũng như chuyển giao các thành tựu ra các hộ nông dân.
Một số đại biểu cũng nêu ý kiến là các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khu vực ĐBSCL cần xây dựng bản tin chung về tình hình phát triển nuôi tôm nước lợ, thông tin về tình hình quan trắc môi trường, lịch thời vụ, chất lượng con giống, vật tư đầu vào, quản lý dịch bệnh để cùng tham khảo.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ NTTS (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2017, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 720 ngàn ha, tăng 3,65% so với năm trước. Nguyên nhân tăng là do một số tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau tăng số vụ thả nuôi trong năm. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 689 ngàn tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 430.500 tấn. Về xuất khẩu, năm 2017 con tôm của Việt Nam đã vươn tới 99 thị trường trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD. Trong đó, các thị trường lớn gồm: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc (chiếm 83,5% tổng giá trị XK)…
Theo kế hoạch hoành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành: tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (giá trị tôm nước lợ là 8,4 tỷ USD); tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha, tôm càng xanh tập trung 50.000 ha, tôm hùm đạt 1,3 triệu m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn, gồm tôm nước lợ 1,1 triệu tấn, tôm càng xanh 50.000 tấn và tôm hùm 3.000 tấn.Theo ông Cẩn, với kịch bản nước biển dâng do BĐKH, Việt Nam có thể mở rộng diện tích thả nuôi tôm từ 800 ngàn đến 1 triệu ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Dự kiến nhu cầu con giống thả nuôi năm 2018 là 130 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con, tôm sú 30 tỷ con.
Giải pháp phát triển là tập trung nuôi công nghệ cao, nuôi 2, 3 giai đoạn, để nâng cao năng suất, chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng 720.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 448.500 tấn, còn lại là tôm sú.
“Việt Nam hiện vẫn chưa làm chủ được hoàn toàn công nghệ chọn tạo, gia hóa, chủ động cung ứng tôm giống; vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo; công tác quan trắc, cảnh báo môi trường chưa đầy đủ, hiệu quả; giá thành sản xuất tôm còn cao; tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm vẫn còn xảy ra”, ông Cẩn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để thúc đẩy ngành tôm phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cuc quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: trong năm qua, số vụ tôm có nhiễm hóa chất, kháng sinh bị phát hiện đã giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân một số hóa chất, kháng sinh bị cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản nhưng bên y tế, thú y vẫn được sử dụng; tình trạng nhập lậu, lén lút sử dụng vẫn chưa được quản lý triệt để. Việc quản lý tình trạng đưa tạp chất vào tôm đã được triển khai đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.
Giải pháp phát triển ngành tôm 2018 là tập trung nuôi công nghệ cao, nuôi 2 -3 giai đoạn, để nâng cao năng suất, chất lượng…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo: Đối với vụ tôm nuôi nước lợ 2018, các đại phương cần tuân thủ chặt chẽ khung lịch thời vụ, siết chặt quản lý tôm giống, nhất là trong khâu lưu thông, phân phối; quản lý tốt vật tư đầu vào, ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm; phát triển, nhân rộng mô hình nuôi 2 giai đoạn kể cả nuôi công nghiệp và quảng canh. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật; xác định vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp là đầu tàu để chuyển giao công nghệ, mô hình thành công cho nông dân.
Đối với kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch của mình để triển khai. Do diện tích không thể tăng thêm nhiều nên phải tập trung cho năng suất bằng việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn…
Diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến còn rất lớn nhưng năng suất thấp, cần tập trung nâng cao năng suất, giải quyết vấn đề mấu chốt là sản xuất tôm giống, tăng độ che phủ trên ruộng nuôi bằng cách thả thêm rong biển, trồng các loài cây bản địa thích hợp ngoài cây lúa.
📣📣📣 Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, nhu cầu thị trường tôm thế giới hiện đạt 39,1 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lến 67,5 tỷ USD vào năm 2027, với mức tăng trưởng bình quân 56,%/năm. Riêng Việt Nam là nước có lợi thế về phát triển nuôi trồng, nếu tập tập trung giải quyết được 3 vấn đề mấu chốt là kháng sinh, truy xuất nguồn gốc và dịch bệnh, có thể đạt mức tăng trưởng 10%, tức đạt mức kim ngạch 4,2 tỷ USD xuất khẩu tôm năm 2018.
Tuy nhiên, do nguồn cung các nước được dự báo đều tăng cũng như sản lượng tôm tồn kho tại các nước còn nhiều nên năm 2018 có thể giá bán tôm sẽ không cao và người nuôi sẽ chịu nhiều áp lực về giá thành sản xuất cũng như giá sản phẩm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú nêu thực trạng về khó khăn, hạn chế của ngành tôm Việt Nam hiện nay là: Tôm nguyên liệu chưa đáp ứng nhu cầu chế biến, giá thành cao; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ; chất lượng con giống và kiểm soát môi trường, dịch bệnh còn hạn chế; thiếu trầm trọng cán bộ kỹ thuật và công nhân nuôi tôm; công nhân chế biến thiếu và chưa được đào tạo nên năng suất thấp…
Từ thực tế đó, ông Quang đưa ra đề xuất xây dựng khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao Kiên Giang, nhằm phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững. Theo đó, Minh Phú sẽ là trung tâm hạt nhân để kết nối các doanh nghiệp, người nuôi tôm nhỏ lẻ thành khu phức hợp với tổng diện tích lên đến 10.000 ha (tại Kiên Lương – Hà Tiên), khép kín từ sản xuất thức ăn, con giống, thả nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu… với công suất lên đến 250.000 ngàn tấn tong thương phẩm/năm, tạo ra 200.000 tấn tôm thành phẩm, giá trị xuất khầu trên 2 tủy USD.
Nguồn: Báo Nông nghiệp