Ngành tôm ĐBSCL: Thách thức và cơ hội chưa từng có

Wednesday,
21/02/2018
0

Ngành tôm ĐBSCL đang đối phó với rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng đồng thời cũng đang đứng trước cơ hội thay đổi để theo kịp với bước tiến của thời đại, trong đó, việc phát triển nuôi trồng bền vững được đặt ra quyết liệt hơn bao giờ hết.


Tôm dần thay lúa

Nói tới ĐBSCL người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh vựa lúa của đất nước với những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Thực tế thì đến nay vùng này vẫn là cái nôi sản xuất lương thực của Việt Nam. Tuy vậy, lương thực ở đây được dùng để xuất khẩu như một sản phẩm hàng hóa và khi việc xuất khẩu lúa gạo không còn đem lại lợi nhuận cao như trước kia thì xuất khẩu thủy sản đã trở thành một cứu cánh. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đưa ra so sánh, một số hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản đã thu được nguồn lợi nhuận tăng gấp 4 lần. Điều này đặt ra bài toán phải chăng đã đến lúc việc sản xuất lúa gạo hướng về mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và chú trọng hơn nữa đến việc chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang sản xuất các hàng hóa khác cho hiệu quả cao hơn, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, trong đó có việc hiện đại hóa ngành tôm.

Từ năm 2015, các tỉnh ĐBSCL đã giảm dần diện tích lúa để đến năm 2020 trở đi, ổn định sản lượng lúa hàng năm 24,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so năm 2014 theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu trong tình hình mới. Cuối năm 2015, Bộ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, khi giá nhân công tăng, chi phí sản xuất cao, việc sản xuất lúa gạo hàng hóa ngày càng khó có lãi và nhiều nước phải “bù lỗ” và ưu đãi bằng nhiều phương thức khác nhau từ ngân sách, dĩ nhiên để đảm bảo an ninh lương thực chứ không phải để xuất khẩu. Trong khi, nuôi trồng thủy sản đến nay vẫn cho thấy là một ngành đem lại hiệu quả kinh tế thực sự và mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD tôm từ ĐBSCL là trong tầm tay.

 

Nuôi quảng canh gặp khó

Theo TS Trịnh Thị Long và ThS Dương Công Chinh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; hiện, ĐBSCL cùng lúc tồn tại nhiều hình thức nuôi tôm là quảng canh, quảng canh cải tiến, bán công nghiệp, công nghiệp, tôm - lúa, tôm - rừng, tôm - cá… Do quá nhiều mô hình nuôi trồng xen kẽ nên việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng hiện đại còn nhiều hạn chế; cần giải quyết vấn đề cấp thoát nước khoa học, chống ô nhiễm, chống dịch bệnh lây lan.

Mỗi ai khi thăm quan các mô hình nuôi trồng thủy sản tại vùng ĐBSCL cũng đều nhận thấy sự manh mún trong sản xuất, những vùng nuôi tôm tập trung, có hệ thống xử lý nước tốt là rất hiếm. Nhiều diện tích nuôi trồng phải dựa nhiều vào thiên nhiên trong khi tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp.

Diện mạo nông thôn Bạc Liêu thay đổi lớn nhờ những cánh đồng tôm - Ảnh: Phan Thanh Cường

Thống kê sơ bộ 8 tỉnh ven biển ĐBSCL, tính đến 17/5/2016, đã có trên 81.400 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu là ở vùng nuôi quảng canh, tôm - lúa; trong đó, tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nhất, tiếp đến là Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thực tế này đặt ra câu hỏi: “Phải chăng mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống đang không đủ sức đối phó với biến đổi khí hậu, do quá phụ thuộc vào thiên nhiên?”. Độ mặn trên các tuyến sông Cà Mau dao động 36 - 42‰, trong ao nuôi 40 - 55‰, thậm chí có nơi lên đến 60‰. Ước thiệt hại trên tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến khoảng gần 52.500 ha, chiếm gần 20% diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến toàn tỉnh Cà Mau (tổng giá trị thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng).

Để điều chỉnh độ mặn phù hợp thì rõ ràng nuôi công nghiệp chủ động hơn, và để nuôi trồng quảng canh có hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu sẽ cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “ngọt hóa” vùng đất đang bị mặn hóa ở mức độ gây hại cho ngành tôm nước lợ.

Một nhà khoa học từng ví von rằng: Con người ta khi thấy môi trường sống có gì không ổn, nguy hiểm thì nhanh chân chuyển đi nơi khác, thấy trời nắng thì vào bóng râm để trú, thấy mưa thì vào nhà tránh mưa; nhưng con tôm ở trong ao thì không thể làm như thế, chúng phải căng sức ra chịu cho đến khi sự ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt làm chúng sinh bệnh và tử vong. Do vậy, việc đảm bảo môi trường sống tốt cho tôm, nhất là nuôi tôm quảng canh, tôm - lúa đang là vấn đề lớn.

 

Chủ động thích ứng

Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dù phức tạp đến mấy cũng vẫn nằm trong khả năng hiểu biết và thích ứng của con người, vấn đề ở chỗ các biện pháp đối phó có kịp thời và hiệu quả như mong muốn của người dân.

Những nghiên cứu khoa học đã giúp các cơ quan chức năng theo dõi được quá trình thâm nhập mặn và những dự báo về thời tiết khu vực này được khuyến cáo khá sát với thực tế. Một diện tích nuôi trồng đáng kể bị thiệt hại, theo các sở và các hội nuôi tôm thì chủ yếu là do người nuôi không thực hiện đúng khuyến cáo của ngành khuyến nông, không theo đúng lịch nuôi thả đã đề ra, chứ không hẳn quy hết cho biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, nhiều vùng nuôi thả thành công, tôm bán rất được giá, người nuôi vẫn thắng lớn. Sản lượng tôm trong vùng tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, có vùng tăng 15 - 20% so năm 2015.

Tuy vậy, do diễn biến khí hậu khá phức tạp và xâm nhập mặn tăng nhanh nên sự hỗ trợ cho các hộ, các vùng bị tổn thất là điều mà chính quyền quan tâm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá, tình hình hạn, mặn đã “tác động rất nghiêm trọng đến sản xuất tôm nuôi ở một số nơi. Đối với một số hộ gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nuôi tôm - lúa, tôm quảng canh, cần có sự hỗ trợ kịp thời thì mới giúp người dân vượt qua khó khăn”.

 

“Chuẩn hóa” các quy trình nuôi và tăng cường liên kết

Đảm bảo diện tích và tăng sản lượng không đồng nghĩa với việc đảm bảo lợi nhuận và việc tái thiết ngành tôm sau hơn 20 năm phát triển đang đặt ra cấp thiết. TS Lê Đăng Doanh - từng nhận xét nông nghiệp ĐBSCL vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp.

Sản lượng nhiều mà hiệu quả thấp không phải là tương lai của ĐBSCL. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, cần phải xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và cần liên kết chuỗi mô hình liên kết 4 nhà. Còn TS Lê Đăng Doanh lại nhận định, chúng ta cần tham gia cả vào chuỗi giá trị mang tính quốc tế nữa, chứ không chỉ liên kết trong nước. Rõ ràng, việc năm 2015 xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị mất tới 1/3 thị trường xuất khẩu đã chứng tỏ mối liên kết quốc tế của ngành thủy sản Việt Nam là rất yếu.

Tương tự, trong vấn đề tôm nguyên liệu, sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc quản lý nguồn nước trên dòng sông Cửu Long. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết năm nay mực nước cao nhất đo được thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ còn khoảng 65 - 70% mà một trong những nguyên nhân là việc xây dựng các đập thủy điện tích nước ở thượng nguồn.

Trong đề án “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long” (PGS.TS Trần Hồng Thái làm chủ nhiệm đề tài, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chủ trì) cho rằng, cần có các biện pháp chủ động tích trữ nước ngọt và bảo vệ môi trường.

Nguyễn Văn Sơn, Chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho rằng, 500.000 ha lúa còn lại, có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm một vụ, giá trị gia tăng cao. Việc đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu ha sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc cứu thêm 500 nghìn ha nhiễm mặn. Quan điểm này cũng tương tự với ý kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân khi cho rằng thay vì cứu lúa thì nên chuyển đổi diện tích có nguy cơ nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản; bởi, đây không phải là ý tưởng gì mới mà các vùng ven biển ở Indonesia đã chuyển sang nuôi tôm và mang lại hiệu quả cao.

>> Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu và thâm nhập mặn, đa số các chuyên gia và bản thân quy hoạch của Chính phủ cũng đã mở ra cơ hội phát triển ngành tôm tại ĐBSCL bằng việc phân tích, khẳng định hiệu quả của nuôi tôm nước lợ. Diện tích và sản lượng ngành tôm sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và vấn đề còn lại chính là ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới quản lý, truy xuất nguồn gốc, liên kết trong nước và mở rộng liên kết quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và từ đó xây dựng thương hiệu tôm ĐBSCL ở một tầm vóc mới.

 

 



Thủy sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: