Nghiệm thu mô hình nuôi tôm sú thâm canh

Monday,
19/08/2019
0

Ngày 16/8, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Ninh Bình phối hợp với UBND xã Kim Đông (huyện Kim Sơn) tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá, nghiệm thu mô hình “Hỗ trợ nuôi tôm sú thâm canh”.

Thu hoạch tôm thực hiện mô hình tại gia đình ông Nguyễn Văn Phương (xóm 1, xã Kim Đông).

Tôm nước lợ được xác định là đối tượng nuôi chủ lực ở các địa phương ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh công nghệ cao mới chỉ áp dụng phổ biến trên đối tượng là tôm Thẻ chân trắng. Riêng tôm Sú chủ yếu được nuôi bằng hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, hiệu quả mang lại chưa xứng với tiềm năng.

Năm 2019, thực hiện chương trình Khuyến ngư, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ nuôi tôm sú thâm canh” nhằm tạo được những bước chuyển biến tích cực trong vùng sản xuất.

Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, ngay khi triển khai Chi cục đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị xây dựng bảng tiêu chí chọn hộ, đảm bảo các yêu cầu về vùng qui hoạch, có vốn đối ứng, khả năng kỹ thuật và đặc biệt là tâm huyết với nghề. 2 hộ là ông Lưu Văn Dương (xóm 5, xã Kim Hải) và ông Nguyễn Văn Phương (xóm 1, xã Kim Đông) đáp ứng được các yêu cầu để triển khai thực hiện.

Chi cục cũng bố trí cán bộ bám sát, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi; hướng dẫn lập kế hoạch, quản lý quá trình nuôi theo hướng an toàn thực phẩm và hướng dẫn các hộ ghi chép hồ sơ...Các khâu chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước đến thả giống, chăm sóc, quản lý ao nuôi luôn được các hộ tuân thủ chặt chẽ. Tôm giống được đặt mua tại cơ sở sản xuất có uy tín, có kiểm dịch.

Với mật độ 20 con/m2, diện tích nuôi 1,6 ha, thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp không có chứa chất cấm trong thành phần theo qui định của nhà nước. Quá trình nuôi, tôm được bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, chế phẩm sinh học để tăng cường đề kháng, giúp tôm phát triển tốt. Sau 4 tháng nuôi cho thấy, tôm đạt tỷ lệ sống trên 70%, trọng lượng trung bình 25g/con, năng suất đạt trên 3,5 tấn/ha, lợi nhuận 150 triệu đồng/ha.

Về các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, các hộ dân đã tuân thủ theo đúng các qui trình đề ra; mô hình đã giảm thiểu được dịch bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh nên không ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tại hội thảo, người nuôi đánh giá cao hiệu quả và tính bền vững của mô hình đồng thời chia sẻ một số vấn đề kĩ thuật thường gặp phải trong quá trình nuôi, cách thức áp dụng quy trình nuôi sao cho hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Có thể nói, mô hình “Hỗ trợ nuôi tôm sú thâm canh” thành công đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi tôm nước lợ, hướng tới phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch phục vụ tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản ở địa phương.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: