Trong môi trường đặc trưng, các ngoại sinh vật này bám trên vỏ tôm với lượng lớn gây ra các bệnh đặc trung trên tôm nuôi như: tôm đóng rong nhớt, tôm đen mang. So với lớp chất nhày của các loài khác thì lớp chitin trên vỏ giáp xác rất thích hợp cho việc bám và phát triển của ngoại sinh vật.
1. Ảnh hưởng của ngoại sinh vật bám trên tôm
Các ngoại sinh vật kí sinh trên tôm thường xuất hiện nhiều trong ao nuôi mật độ cao hoặc nước dơ, nhiều chất hữu cơ lơ lững.
Chúng ăn vi khuẩn, tảo đơn bào và protozoa nhỏ hơn.
Hầu hết sinh vật kí sinh trên mang hoặc bề mặt là những sinh vật sống tự do, không thực kí sinh, chúng xem tôm như giá thể.
Ngoại sinh vật bám không gây hại trực tiếp cho tôm. Chúng gây ra các tác hại gián tiếp do:
- Bám vào mang, ngăn dòng nước chảy qua mang, làm cản trao đổi khí của tôm.
- Bám vào vỏ gây khó lột xác, di chuyển.
- Tôm bị ngoại sinh vật bám bắt mồi không hiệu quả.
Tuy nhiên, vài loài ngoại sinh vật bám có khả năng tạo ra ngoại độc tố gây tổn thương tế bào vật chủ.
2. Tác nhân
Vi khuẩn: các vi khuẩn dạng sợi, gram âm như Leucothrix mucor, Leucothrix spp. Vi khuẩn dạng sợi nhỏ và chuỗi như Flavobacterium sp., Cytophaga sp., Flexibacter sp., Vibrio sp., Spirochetets,…
Protozoa: các protozoa có vành lông rung như Zoothanium sp., Epistilis sp., Vorticella sp. Apostome như Ascophrys spp. Loricate ciliates: Lagenophrys spp. Suctorians: Acineta spp., Ephelota sp., Flagellates: Bodo-like flagellates và Chrysidella sp.
Các loài protozoa khi gặp điều kiện sống không thuận lợi có thể đứt cuống, tìm nơi kí sinh mới.
Tảo: tảo silic lông chim như Nitzchia spp, Amphiprora spp và Navicula spp; tảo lục; tảo mắt; tảo lam như Spirulina subsala, Lyngbya, Schizothrix spp.
Ngoài các yếu tố sinh vật còn các yếu tố vô sinh như muối kim loại trong nước kết tủa lên vỏ tôm nuôi.
3. Chuẩn đoán
Dấu hiệu bệnh:
Màu sắc cơ thể bất thường: mang và phụ bộ chuyển sang màu nâu hoặc đen do cặn đáy, đất, các chất ngoại lai “bị bắt” bởi các ngoại sinh vật sống bám hoặc chuyển sang xanh hay xanh nâu do tảo.
Thường xuất hiện kèm các dấu hiệu bệnh gây ra do nhiễm khuẩn.
Mang chuyển màu do sợi khuẩn bám
Mang chuyển màu do tảo bám
Zoothamnium bám dày đặc trên vỏ tôm sú làm tôm chuyển màu đen và nhớt
Tôm lột xác và chết với vỏ sạch và mềm: tôm ăn và sống bình thường tới khi lột xác, vào thời điểm lột xác – thường vào giữa khuya tới sáng, tôm lột xác khó khăn trở nên rất yếu và dễ chết trong điều kiện oxy hòa tan thấp (dưới 3ppm).
Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi
Chuẩn bị mẫu: cắt lấy mang, phụ bộ và chóp đuôi tôm soi dưới kính hiển vi để kiểm tra sự hiện diện của ngoại sinh vật bám.
Chuẩn bị mẫu và soi dưới kính hiển vi
Nhận dạng một số loài ngoại sinh vật bám thường gặp trong ao tôm dưới kính hiển vi:
- Protozoa Zoothamnium và Carchesium: 2 loài này tương tự nhau, cơ thể có hình nón tới gần tròn nhưng có sự khác nhau ở cơ co rút (myoneme) bên trong cuống. Cơ co rút của các Zoothamnium dính nhau, tạo thành hình như nhánh cây trong khi cơ co rút của các Carchesium không dính nhau.
Zoothamnium và Carchesium
Do cơ co rút của Zoothamnium dính nhau nên các tế bào sẽ co rút cùng một lượt. Tế bào Carchesium co rút đơn lẽ.
Kiểu co rút cơ ở Zoothamnium
- Protozoa Epistylis: tế bào có hình chuông, thông thường có 2 tế bào nằm chung một nhánh. Epistylis không có cơ co rút nên chỉ co rút tế bào.
Epistylis
Epistylis bám trên copepoda
Epistylis và Zoothamnium trên mang tôm thẻ chân trắng
- Protozoa Acineta: cơ thể có hình chữ Y, có từ 8 – 12 ống hút xếp dạng phóng xạ, không có cơ quan bám rõ ràng.
Acineta bám trên mang tôm
- Vi khuẩn dạng sợi Leucothrix: phân bố rộng, có khoảng 30 chủng nhưng rất khó phân biệt chúng với nhau. Sợi khuẩn sống phụ sinh phổ biến trên tảo lớn biển, các sinh vật đáy, trứng đang phát triển, ấu trùng và cặn đáy và gây cản trở cho các sinh vật bị phụ sinh.
Thông thường sự bám này không làm tổn hại các tế bào biểu mô chổ bám nhưng cho phép các chất cặn và tảo bám vào mang nên gây ngạt thở cho tôm.
Dưới kính hiển vi 10 – 40X, sợi khuẩn có dạng sợi dài ngắn nhiều kích thước, trong suốt, một đầu bám vào vỏ tôm, một đầu di động uốn lượn trong nước.
Sợi khuẩn bám trên chân bò và vỏ của tôm thẻ giống
- Tảo bám: thường gặp là các loài tảo lục, silic, tảo lam.
Tảo bám trên copepoda
Tảo lam bám trên mang tôm sú
Kiểm tra ngoại sinh vật bám:
Lấy mẫu tôm bệnh: chọn từ 3 – 10 cá thể bệnh vì giúp biết được nguyên nhân gây bệnh từ đó xác định loại thuốc hợp lý để cứu những con còn lại.
Kiểm tra mang và phụ bộ: soi tươi ở độ phóng đại 10 – 40X, so sánh mức độ cảm nhiễm theo bảng:
4. Xử lý
Khi mật độ ngoại sinh vật bám quá nhiều hoặc sự bám gây ra các tổn thương trên mô làm tôm có xu hướng tăng lột xác tự làm sạch. Khi tôm lột xác, ngoại sinh vật bám có thể trở lại dạng sống tự do trong nước và tiếp tục tái bám vào tôm vừa lột xong.
Thông thường, khi tôm bị các sinh vật bám chứng tỏ tình trạng ao nuôi xấu, nước dơ, nhiều khí độc và chất hữu cơ vậy nên trong xử lý cần coi trọng cải tạo chất lượng nước thay vì kích lột cho tôm.
Lưu ý rằng lột xác là quá trình tốn hao năng lượng, suy giảm nguồn sống và dễ bị tấn công bởi kẻ thù. Tôm đen mang thường kiệt sức rất nhanh và không có sức chống chịu áp lực môi trường như tôm khỏe sau khi lột xác. Nếu tôm bị kích thích lột xác trong điều kiện nước xấu sẽ rất yếu và dễ nhiễm các bệnh khác.
Có thể xử lý tình trạng tôm nhiễm ngoại ký sinh như sau:
- Tiến hành cắt giảm lượng ăn, thay bớt nước (nếu có thể).
- Diệt khuẩn trong nước và diệt ngoại kí sinh (dùng Formalin (25 lít/1000 m3) hoặc BKC (1 – 2 lít/1000 m3). Có thể lập lại sau vài ngày nếu mật độ ngoại sinh vật bám trên tôm chưa giảm.
- Nếu đáy dơ, đen, nhiều bùn nhão thì xử lý thêm oxy viên 1 – 2 kg/1000 m2 vào ban ngày, trong vài ngày liên tục để oxy hóa nền đáy.
- Sau cùng xử lý men – vi sinh liều cao và thường xuyên nhằm cải thiện tình trạng ao nuôi.
Tốt nhất là nên kiểm tra tôm thường xuyên và điều trị ngay từ giai đoạn 1 (vài con ngoại kí sinh/tôm).
Nguồn: Tổng hợp