Người nuôi tôm ở Bình Định đã hoàn tất 2 vụ nuôi trong năm 2018. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ, kiểm dịch nghiêm cẩn nguồn giống, quản lý tốt môi trường ao nuôi, nên tôm thoát được dịch bệnh, sản lượng đạt gần gấp đôi so với năm ngoái.
Kiểm tra độ phát triển của tôm nuôi
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong cả 2 vụ nuôi trong năm 2018, toàn tỉnh có 2.307ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm; trong đó vụ 1 có 1.870ha, vụ 2 437ha. Tính đến đầu tháng 10/2018, sản lượng tôm nuôi thu hoạch được 5.240 tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. Năng suất tôm thẻ chân trắng (TTCT) đạt bình quân từ 10 - 11 tấn/ha. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bình Định được mùa tôm, hầu hết các hộ nuôi đều có lãi.
Tuy Phước là huyện có nhiều diện tích nuôi tôm nhất Bình Định với 997ha mặt nước nằm ven đê Đông, đến nay đã thu hoạch trên 90% diện tích, sản lượng đạt 1.808 tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ.
Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, sau vụ 1 thắng lợi, bà con ở đây tiếp tục thả nuôi vụ 2 với hình thức bán thâm canh diện tích 75ha trên vùng cao triều (trên đê Đông) của các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng.
Những diện tích nằm dưới đê Đông được nuôi xen tôm với cua cá theo hình thức quảng canh cải tiến. Những diện tích nuôi xen, con tôm không còn là vật nuôi chính, mà cá cua mới là đối tượng mang tiền đến cho người nuôi.
“Vụ này bà con nuôi tôm trúng đậm, những diện tích nuôi TTCT theo phương thức bán thâm canh ở xã Phước Thắng vừa thu hoạch, năng suất đạt 5 tấn/ha, với giá bình quân 110.000đ/kg, hộ nuôi thu được 550 triệu đồng/ha. Những diện tích nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến vùng hạ triều thu được 1 tấn tôm/ha cộng với cua cá, tổng thu 150 triệu đồng/ha. Vụ 2 mà đạt mức thu như vậy là đáng phấn khởi”, ông Quang vui vẻ cho biết.
Không chỉ được mùa, giá tôm năm nay cũng khá ổn định. Giá TTCT bình quân cả 2 vụ ở mức từ 105 - 110 ngàn đồng/kg loại 100 con/kg; tôm sú từ 260 - 280 ngàn đồng/kg loại 25 - 30 con/kg, nhiều hộ nuôi tôm có lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo nhận định của ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định, ý thức tự bảo vệ chính đồng tiền của mình của người nuôi tôm trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Hầu hết đều tự giác áp dụng các mô hình nuôi an toàn sinh học nên mang lại kết quả tốt. Bà con đã tuân thủ chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ do ngành nông nghiệp khuyến cáo, chủ động né tránh thời tiết bất lợi. Con giống trước khi thả nuôi được lựa chọn kỹ lưỡng, kiểm dịch chặt chẽ nên đảm bảo chất lượng, hạn chế tôm bị dịch bệnh.
Nụ cười của người nuôi tôm khi được mùa được giá
Bình Định đang bước vào mùa mưa lũ, những hộ nuôi tôm vụ 2 đang hối hả thu hoạch dứt điểm những diện tích tôm nuôi còn lại. Những hộ nuôi tôm trên cát thì đây là giai đoạn gia cố, bồi đắp bờ ao, cống lấy nước để hạn chế thiệt hại khi mưa lũ xảy ra.
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, để tiếp tục đạt thắng lợi trong vụ nuôi mới năm 2019 sắp tới, ngành thủy sản tỉnh này tiếp tục xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng tại các vùng nuôi; kịp thời có biện pháp bao vây, xử lý dịch bệnh tôm nuôi.
Đối với các vùng nuôi có điều kiện hạ tầng kém, chỉ nuôi 1 vụ ăn chắc; nhân rộng các mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường. Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, kiểm dịch chặt chẽ trước khi thả nuôi.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp