Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013, hội chứng tôm chết sớm (EMS) hoành hành tại nhiều nước châu Á và virus đốm trắng tấn công nghề nuôi tôm một số nước Mỹ Latinh đã khiến nguồn cung tôm trên thế giới giảm mạnh.
Nguồn cung giảm mạnh
Ngay từ đầu năm 2013, do ảnh hưởng của EMS, Thái Lan đã đưa ra dự báo sản lượng tôm nuôi của nước này giảm 30% so với năm ngoái. Đi vào thực tế sản xuất, nhiều vùng nuôi tôm chính của Thái Lan, từ phía đông xuống phía nam đã bị EMS hoành hành, gây thiệt hại nặng. Trước tình hình đó, mới đây Thái Lan dự báo sản lượng tôm nuôi năm 2013 của nước này chỉ đạt 250 ngàn tấn, giảm 50% so với năm 2012.
Tại Việt Nam, có gần 80% số hộ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long được thống kê bị ảnh hưởng hội chứng EMS. Các hộ nuôi tôm cũng đang lâm vào tình trạng thiếu vốn sản xuất do khung giá đất ao đầm nuôi tôm để vay ngân hàng có định mức thấp (do quy định từ nhiều năm trước), trong khi dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt từ năm 2012.
Malaysia và Trung Quốc cũng là những quốc gia chịu tác động mạnh của EMS khiến sản lượng tôm nuôi giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2013, sản lượng tôm nuôi của Malaysia chỉ đạt 60 ngàn tấn, giảm mạnh so với 90 ngàn tấn của cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung Quốc, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về sản lượng tôm nuôi của nước này nhưng việc gia tăng nhập khẩu tôm trong thời gian gần đây của Trung Quốc cũng phần nào cho thấy nước này có sự thiếu hụt tôm nguyên liệu.
Giá tôm tăng nhanh
Tại thị trường Mỹ, ngay từ tháng 12/2012, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu tăng và tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2013. Theo đó, giá tôm sú tháng 1/2013 đạt 6,4 USD/pao đã tăng lên 7,4 USD/pao (1 pao=0,453kg) trong đầu tháng 7/2013, tăng 15,6%. Giá tôm chân trắng tại thị trường này cũng tăng từ 4,10 USD/pao lên 4,65 USD/pao, tăng 13%.
Trong bối cảnh hiện nay, giá tôm từ các nước châu Á không thể tránh khỏi xu hướng tăng cao và điều này cũng đã khiến tôm khai thác nội địa Mỹ sẽ tiếp tục tăng giá trong cuối năm nay. Hiện nay, giá bán lẻ tôm vịnh Mexico cỡ 16/20 đã tăng 1-2 USD/pao so với năm ngoái với giá bán là 10 – 13 USD/pao.
Tại Nhật Bản, báo cáo của Fis về tình hình tiêu thụ tôm tại nước này chưa thấy dấu hiệu khả quan nhưng do nguồn cung tôm giảm nên giá tôm tại Nhật cũng tăng mạnh. Cụ thể, tôm sú HLSO Việt Nam cỡ 16/20 trong tháng 1/2013 đạt 10,72 USD/kg tăng lên 16,23 USD/kg vào cuối tháng 6/2013. Giá tôm Ấn Độ cùng cỡ cũng tăng lên 15,95 USD/kg so với 11,03 USD/kg hồi đầu năm. Giá tôm chân trắng HLSO cỡ 16/20 của Indonesia trong 6 tháng đầu năm cũng tăng thêm 1,8 USD/kg, từ 11,32 USD/kg lên 13,1 USD/kg.
Giá tôm tại Nhật Bản tăng mạnh là do hai nguồn cung tôm chính là Việt Nam và Ấn Độ đang gặp khó khăn do quy định kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm, trong khi sản lượng tôm Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng EMS. Mặc dù, nguồn cung tôm cho Nhật Bản được tăng cường từ Indonesia và Argentina, nhưng việc đẩy mạnh nhập khẩu từ hai quốc gia này vẫn không đủ bù đắp lượng thiếu hụt lớn từ các nguồn cung khác.
VASEP cho biết, từ nay đến cuối năm, một số nước sẽ vào vụ thu hoạch chính và nguồn cung có thể được cải thiện. Tuy nhiên, do sản lượng tôm nuôi của Thái Lan giảm mạnh và nhu cầu tiêu thụ tăng vào cuối năm nên giá tôm sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăn.
Theo Báo Công Thương Điện Tử