Nguy cơ dịch bệnh trên vụ tôm mới

Friday,
09/02/2018
0

Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang tích cực cải tạo ao đầm để thả nuôi vụ tôm chính 2014. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm do thời tiết bất lợi, nên trên nhiều diện tích tôm nuôi, dịch bệnh đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp.


Bất thường ngay đầu vụ

Ông Trần Văn Tám, người nuôi tôm ở xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, vụ tôm 2014, ông thả nuôi 400.000 con TTCT, nhưng mới được 25 ngày tuổi thì tôm bị dịch bệnh chết sạch, thiệt hại hơn 50 triệu đồng.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, ngay từ đầu năm 2014, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ ở tỉnh này đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Hiện nay, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 177,65 ha (chủ yếu bệnh đốm trắng) trong tổng số 422 ha tôm thả nuôi, chiếm đến 42% diện tích. Để hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm, ngành nông nghiệp Tiền Giang khuyến cáo người dân chỉ thả nuôi khi thời tiết không còn lạnh và tình hình nuôi ở khu vực xung quanh ổn định.

Tại Trà Vinh, Sở NN&PTNT cho biết, các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm thuộc hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải hiện có hơn 500 ha theo hình thức thâm canh. Diện tích nuôi tôm đầu vụ chưa nhiều nhưng đã có hơn 10 ha thả nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại. Điều đáng lo ngại là diện tích nuôi tôm đầu vụ chưa nhiều nhưng một số thời điểm thời tiết lạnh khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Trà Vinh khuyến cáo các hộ nuôi tôm lùi lịch thời vụ thả tôm giống, chờ thời tiết ấm lên và môi trường ổn định… Riêng đối với khu vực tôm nuôi bị chết, phải tiến hành khoanh vùng, trước khi tháo nước ra ngoài phải được xử lý bằng hóa chất theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn và tạm dừng thả giống…

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-con-tom-742-.jpg

Nông dân nuôi tôm chỉ thả nuôi khi thời tiết không còn lạnh - Ảnh: Phan Thanh Cường
 

Tại Kiên Giang, tình hình dịch bệnh có phần dịu hơn do diện tích thả nuôi tôm chưa nhiều, nhưng bước đầu cũng có những bất ổn. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh có 112 ha tôm nuôi thâm canh nhưng do thời tiết thời gian qua liên tục lạnh kéo dài nên tôm có hiện tượng chậm lớn. Riêng tại huyện Kiên Lương đã có 1,7 ha tôm nuôi 40 ngày tuổi bị chết hàng loạt do hoại tử gan tụy.

Tạm dừng thả tôm giống

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay cả nước đã có khoảng 1.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến bất lợi cho nghề nuôi tôm và nhiệt độ xuống thấp (đây là điều kiện thuận lợi để phát sinh bệnh đốm trắng).

Để đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ 2014 và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương cần thực hiện nghiêm túc khung lịch thời vụ thả giống và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ 2014. Khuyến cáo người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật đã được tổng kết từ mô hình nuôi thành công, quản lý tốt môi trường để phòng ngừa dịch bệnh.

Tôm giống phải được mua tại cơ sở uy tín, có xuất xứ, đã được kiểm dịch, cỡ giống tôm thẻ chân trắng Pl12 và tôm sú Pl15. Thực hiện ương/gièo thêm khoảng 1 tháng trong diện tích nhỏ, có mái che, hoặc có thể ương/gièo trong giai bằng vải bạt, đáy bằng lưới cước, có mái che đặt ngay trong ao nuôi, đáy giai cách đáy ao 20 cm, trong giai có đặt máy sục khí.

Khi tôm đạt kích cỡ 500 - 600 con/kg có thể thả thêm vào ao 20 - 30 con cá rô phi để hỗ trợ làm sạch môi trường và cân bằng sinh học. Trong quá trình nuôi, hạn chế sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc chữa bệnh, cần tăng cường quạt nước và lắp thêm hệ thống sục khí đáy ao nuôi, đảm bảo lượng ôxy hòa tan ≥ 5mg/l…


Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: