Ngành tôm Việt Nam đang đứng trước thách thức về đổi mới công nghệ và hướng đến những tiêu chuẩn sản xuất, tiêu thụ nhân văn. Bài toán lợi nhuận và phát triển bền vững bằng công nghệ đang đặt ra nóng hổi.
Loạn chuẩn công nghệ
Khi dịch bệnh tôm xảy ra, trong một hội thảo khoa học, nhiều người nuôi tôm đã hỏi: "Phải chăng một trong những nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do công nghệ nuôi tôm lạc hậu hoặc có vấn đề?". Người nuôi tôm nói, họ đã làm theo những gì các công ty, các nhà tư vấn hướng dẫn, thậm chí công ty thức ăn tôm đem công nghệ đến tận từng nhà, mà dịch bệnh vẫn xảy ra.
Đáng tiếc là cho đến nay, ngay cả ở những tỉnh thiệt hại 80% diện tích như Sóc Trăng vẫn chưa có những nghiên cứu phân tích về công nghệ nuôi tôm ở đây liên quan thế nào đến dịch bệnh. Một thực tế là không phải tỉnh nào diện tích tôm thiệt hại cũng lớn như Sóc Trăng. Dư luận đã lên tiếng về tình trạng "loạn công nghệ nuôi tôm".
Công nghệ nuôi tôm hiện nay vừa phong phú vừa manh mún. Tới các địa phương, gặp các hộ, trang trại, dễ thấy người dân khá hoang mang khi lựa chọn công nghệ. Người dân Bến Tre, Bạc Liêu chia sẻ: "Mỗi công ty giống, mỗi công ty thức ăn, mỗi nhà máy tiêu thụ đều đưa ra một quy trình công nghệ nuôi khác nhau".
Các công ty này thường lấy đại lý giống, thức ăn của mình làm mô hình trình diễn cho khách hàng. Chúng tôi đã đi thăm một số mô hình của các đại lý. Khi đại dịch diễn ra, không ít các mô hình này cũng bị thiệt hại nặng. Thậm chí có công ty còn dựa trên nghiên cứu của mình để tạo những điểm nuôi theo công nghệ riêng khép kín; họ đưa đội ngũ kỹ sư xuống trực tiếp nuôi, nhưng cũng thất bại.
Người nuôi hoang mang, đuối sức
Cơ quan nào và những ngành nào thẩm định các quy trình công nghệ nuôi tôm hiện nay? Hay chỉ dừng ở mức khuyến cáo và tư vấn?
Trong hàng trăm hàng ngàn kỹ thuật viên của các công ty, đại lý đang đi hướng dẫn dân nuôi tôm, có bao nhiêu người thực đảm bảo về chuyên môn và kinh nghiệm? Hay mục tiêu chính của họ vẫn là tiếp thị sản phẩm.
Người nuôi tôm đứng trước hàng loạt công nghệ và tiêu chuẩn: toàn cầu, châu lục, khu vực, quốc gia, tập đoàn, công ty, nhà máy... Đi kèm đó là những chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, quy trình nuôi, thu hoạch khác hẳn nhau. Mặc dù, rút cuộc, khi cầm con tôm trên tay thì không mấy ai biết nó được sản sinh từ quy trình nào, bởi việc truy xuất nguồn gốc đến tận người nuôi không phổ biến.
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính đang cho hiệu quả cao - Ảnh: Trần Út
Sau nhiều năm theo đuổi các công nghệ tiên tiến mà dịch bệnh vẫn xảy ra, vẫn treo ao, sạt nghiệp, người dân đã có dấu hiệu chán nản, mất niềm tin vào công nghệ mới. Một số người, một số địa phương có xu hướng trở lại mô hình quảng canh mà họ cho là an toàn, ít tốn kém hơn.
Một số chuyên gia cho biết: Nuôi tôm quảng canh thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy. Thực tế một số công ty chế biến đã và đang phải nhập khẩu tôm để sản xuất. "Tôm nuôi quảng canh thì thời gian nuôi và năng suất đều không ổn định" - một nhà sản xuất cho biết.
Ngoài việc giảm niềm tin vào khoa học công nghệ, người dân cũng không còn nhiều vốn liếng để đổi mới công nghệ sau khi dịch bệnh tôm hoành hành. Việc tiếp cận vốn không dễ như trước. Một số người dân ĐBSCL cho biết, "việc thẩm định vay vốn ngân hàng thì người ta chủ yếu dựa vào diện tích". Bởi vậy đầu tư sâu vào 1 ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao sẽ khó vay vốn hơn có 10 - 20 ha nuôi quảng canh và bán thâm canh. Người dân đem tài sản đi thế chấp chính là sổ đỏ đất đai chứ không phải quy trình công nghệ nuôi.
Nguy cơ phá sản công nghệ
Chính vào thời điểm khủng hoảng công nghệ hiện nay, một hiện tượng đáng lo ngại đã xảy ra. Tại một hội nghị khoa học gần đây, đại diện VASEP cho biết, 6 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng đột biến.
Theo báo cáo "Hiện trạng và tiềm năng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam" của VASEP, 6 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 146,9 triệu USD tăng 33,7% so cùng kỳ năm 2012. VASEP cho biết, Trung Quốc đã vượt EU, trở thành nước nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam. Dự báo, 6 tháng cuối năm nay xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể tăng tới 20%. Đặc điểm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là các tiêu chuẩn công nghệ rất lỏng lẻo. Tuy nhiên, chiếm 1/5 dân số thế giới và tiêu thụ 2,2 triệu tấn tôm mỗi năm, đây sẽ là một thị trường có thể thao túng các nhà xuất khẩu.
Một chuyên gia xuất khẩu nhiều năm trong lĩnh vực này đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc: "Việc sản xuất, tiêu thụ vào thị trường Trung Quốc đã và sẽ làm giảm giá trị và thương hiệu tôm xuất khẩu Việt Nam ra thế giới, vốn được xây dựng kiên trì từ nhiều năm qua". Chuyên gia này giải thích: "Thị trường Trung Quốc chỉ cần sản phẩm giá trị thấp, vì mức sống và các tiêu chí sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này thua xa các thị trường truyền thống của ngành tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU...".
Một chuyên gia xuất khẩu của Mỹ cũng góp ý: "Việt Nam cần giữ vững các tiêu chí công nghệ của mình. Chẳng hạn tiêu chuẩn VietGAP, đây là bộ tiêu chuẩn rất tốt, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khắt khe trên toàn cầu".
Việc nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm kiểu tạp nham chắc chắn sẽ nhanh chóng làm phá sản thương hiệu tôm Việt Nam. VASEP kiến nghị: "Theo dõi, nắm bắt động thái và thị trường Trung Quốc, có thông tin định hướng cho doanh nghiệp, tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường này".
>> Khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi không biết kêu ai, bởi chẳng có hợp đồng nào cho trách nhiệm của các quy trình công nghệ nuôi ấy.
Thủy sản Việt nam