Nguyên nhân và biện pháp kiểm soát bệnh còi trên tôm sú

Wednesday,
11/07/2018
0

Nghề nuôi tôm hiện đang mang lại nguồn thu khá lớn cho ngành xuất khẩu thủy sản của nước ta đồng thời cũng nâng cao đời sống cho người nuôi.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nghề nuôi cũng gặp không ít trở ngại từ dịch bệnh làm cho tôm chết, tôm chậm lớn gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Tôm bị chậm lớn có thể do nhiều nguyên nhân như thiếu dinh dưỡng hay nhiễm vi-rút gây bệnh còi.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn trao đổi vấn đề tôm bị chậm lớn do ảnh hưởng bởi vi-rút. Hiện nay, có 2 loại vi-rút có khả năng làm tôm sú chậm lớn: Monodon Baculovirus (MBV) và Hepatopancreatic virus (HPV).

1. Monodon Baculovirus (MBV)

Tác nhân gây bệnh: Là Monodon Baculovirus. Vi-rút này có cấu trúc nhân là DNA mạch đôi, có vỏ bao, hình que. Lần đầu tiên MBV được phát hiện bởi Ligtner (1981) trên đàn tôm sú ở Đài Loan. Khi tôm sú nhiễm MBV, vi-rút thường ký sinh ở tế bào biểu mô gan tụy hình ống và tế bào biểu mô ruột giữa, tạo một hoặc nhiều thể ẩn bên trong tế bào nhiễm.

Dấu hiệu bệnh lý: Khi tôm mới nhiễm bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng, khi bệnh nặng thường có các dấu hiệu như sau: tôm kém ăn, hoạt động yếu, tăng trưởng chậm, lớp vỏ có màu tối hoặc xanh đậm. Tỉ lệ phân đàn rất cao, tôm chết rải rác nhưng khi dồn tích thì tỉ lệ chết có thể lên đến 70%.

Hình 1: Tế bào gan tụy tôm sú nhiễm MBV bắt màu xanh Malachite green (A) và Thể ẩn của tế bào nhiễm MBV bắt màu hồng Eosin (B) (Nguồn: Flegel, 2006)

Phương pháp chẩn đoán: Có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh MBV trên tôm sú như phết tế bào gan tụy lên kính, nhuộm nhanh bằng Malachite green 0,1% rồi quan sát dưới kính hiển vi. Tế bào nhiễm sẽ thể hiện một hoặc nhiều thể ẩn. Phương pháp mô bệnh học cũng cho kết quả thể hiện thể ẩn bắt màu hồng của Eosin ở tế bào nhiễm bệnh. Hoặc dùng kỹ thuật PCR để phát hiện MBV ở giai đoạn nhiễm sớm.

Biện pháp kiểm soát bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm vẫn là chủ yếu: cải tạo ao và xử lý nguồn nước cấp theo đúng qui trình trước khi thả giống; kiểm dịch đàn tôm giống trước khi thả nuôi; chăm sóc, cung cấp thức ăn đủ chất, lượng; và quản lý tốt chất lượng nước trong suốt quá trình nuôi.

2. Papilloma hepatoporreatic (HPV)

Tác nhân gây bệnh: Là nhóm Parvovirus, có cấu trúc nhân là DNA mạch đôi. Chúng thường ký sinh trong nhân tế bào biểu bì gan tụy và tế bào biểu bì ruột trước, khi tế bào tôm nhiễm HPV thường nhân sẽ sưng to tạo thể vùi.

Dấu hiệu bệnh lý: Tôm nhiễm HPV thường ít ăn hoặc bỏ ăn, lờ đờ, hoạt động yếu rất dễ bị sinh vật bám ký sinh trên vỏ và các phần phụ. Gan tụy tôm thường teo, nhão hay hoại tử.

Nguyên nhân và biện pháp kiểm soát bệnh còi trên tôm sú

Hình 2: Tôm nhiễm HPV có kích cở nhỏ hơn tôm bình thường (Nguồn: Flegel, 2006)

Phương pháp chẩn đoán: Tương tự như bệnh BMV, HPV cũng được chẩn đoán thông qua phương pháp nhuộm nhanh Malachite green 0,1%, phương pháp mô bệnh học, phương pháp PCR, phương pháp hóa mô miễn dịch hay phương pháp lai tại chỗ (in situ hybrization).

Hình 3: (A) Phát hiện HPV bằng phương pháp lai in situ; (B) Phát hiện HPV bằng ppPCR

Biện pháp phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp tương tự như phòng bệnh do vi-rút MBV.

THS. BÙI THỊ BÍCH HẰNG 
Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: