Với việc xuất hiện đột ngột những cơn mưa đầu mùa đã làm cho các vật chất hữu cơ trên bờ trôi xuống ao nuôi, rửa trôi phèn làm cho các yếu tố môi trường thay đổi. Ðồng thời hệ sinh thái môi trường ao nuôi bị phá vỡ; sức đề kháng, hệ miễn dịch trong cơ thể tôm nuôi bị giảm… đã tạo điều kiện cho một số loài vi khuẩn, vi-rút gây bệnh trên tôm nuôi phát triển.
Người nuôi tôm kiểm tra sự phát triển của tôm trong ao nuôi
Theo ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), để chủ động quản lý tốt ao nuôi khi có những cơn mưa bất chợt xuất hiện và nhằm hạn chế những tác động xấu do biến động thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa gây ra, giúp ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi, bà con cần áp dụng một số biện pháp như: Ðối với hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, cần dự trữ các vật tư cần thiết (vôi, khoáng, vitamin C, chế phẩm sinh học…) để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời và hiệu quả. Nên chủ động khi trời chuẩn bị chuyển mưa, cần bón vôi khắp bờ ao. Kiểm tra các yếu tố môi trường, nếu có thay đổi thì cần điều chỉnh hợp lý. Khi trời đang mưa, nên tạt vôi CaCO3 hoặc Dolomite xuống ao nuôi với liều lượng 10 – 15kg/1.000m3 để duy trì độ kiềm và ổn định pH.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hệ thống quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, bổ sung vitamin C vào môi trường nước và trộn vào thức ăn, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ðối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào vuông, cần phải chủ động nguồn nước sạch đã qua ao lắng để cung cấp, thay nước cho vuông nuôi khi cần thiết. Ðối với những vùng đang sên, vét cải tạo ao, đầm, hạn chế tối đa việc lấy nước đưa vào đầm nuôi hoặc không lấy nước trực tiếp trong thời điểm hiện nay. Không nên xả bớt nước mặt khi trời có mưa, vì đây là nguồn nước bổ sung để giảm độ mặn trong vuông nuôi sau những ngày nắng hạn vừa qua, nhằm kích thích tôm lột xác và phát triển tốt.
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu