Nuôi cá mú từ ao tôm

Friday,
11/10/2019
0

Tận dụng diện tích các ao nuôi tôm kém hiệu quả, ông Trần Công Thư ở thôn An Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi cá mú, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan.

                            Ông Trần Công Thư (bên phải) cùng con trai đang cho cá ăn

Sở hữu gần 3ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, ít ai nghĩ rằng, ông Trần Công Thư sẽ quyết định chuyển hướng sang nuôi cá mú. Bởi thực tế, chi phí đầu tư cho việc nuôi tôm là rất lớn, cần phải triển khai để có cơ hội thu hồi vốn và cho lãi cao; chưa kể đến việc cá mú là vật nuôi chưa được thử nghiệm ở huyện Thăng Bình. Tuy nhiên, ông Thư vẫn có cái lý của mình khi mạo hiểm như vậy.

Ông Thư lý giải, nguồn tôm giống hiện nay không còn “chuẩn” như trước, hiểu nôm na là tôm giống ngày càng thoái hóa. Thứ hai, thời tiết hiện nay luôn biến động, có thời điểm nắng mưa thất thường, người nuôi tôm luôn đứng trước sự lựa chọn “đánh bạc với trời”. Và yếu tố cuối cùng chính là môi trường ngày càng không đảm bảo để tôm nuôi phát triển bình thường, trong khi chủ trương nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa triển khai trên diện rộng, đòi hỏi người nuôi tôm phải tự nghiên cứu.

Sau thời gian tìm tòi qua internet, khăn gói ra tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi ngược xuôi vào tận Bình Định nghiên cứu kỹ thuật nuôi, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm, cuối năm 2017, ông Thư  quyết định xuống giống vụ cá mú đầu tiên với 3.000 con trên diện tích 2.000m2 ao nuôi. Hai loại cá mú ông Thư chọn nuôi gồm cá mú thường và cá mú Trân Châu.

Qua theo dõi, cá mú Trân Châu phát triển nhanh, tầm 6 tháng là cho thu hoạch; riêng cá mú thường phải mất 8 - 9 tháng, nhưng đổi lại cá mú thường chất lượng thịt dai và thơm hơn. Quyết định chọn nuôi cá mú của ông Thư là hoàn toàn có cơ sở, bởi tận dụng những diện tích ao nuôi tôm hiện có, ông chỉ cần cải tạo thêm vài hạng mục là đảm bảo điều kiện nuôi.

“Mặc dù thời gian nuôi dài ngày hơn so với nuôi tôm, song nuôi cá mú an toàn hơn, vì cá ít dịch bệnh, nguồn thức ăn hằng ngày dễ tìm, chi phí không quá cao, chủ yếu là cá tạp tươi rửa sạch; đầu ra thì thương lái đến tận ao để thu mua, có thời điểm họ đặt hàng trước mấy tháng” – ông Thư phấn khởi chia sẻ.

So với các loại cá khác, thịt cá mú có chất lượng dinh dưỡng và giá bán cao hơn. Tuy nhiên không vì thế mà ông Thư đầu tư ào ạt. Cá thương phẩm vẫn phải đạt đầu ra 1 - 1,2 kg để đảm bảo chất lượng. Với tổng số 6.000 con giống thả nuôi hiện nay trên diện tích 3.000m2, ông Thư chọn nuôi theo hình thức gối đầu nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Vụ mùa vừa qua, với giá bán dao động 250 - 270 nghìn đồng/kg cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, ông Thư lãi ròng hơn 500 triệu đồng. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá mú lên khoảng 1ha. Cũng mong rằng Nhà nước tạo điều kiện về cho thuê đất để tôi mở rộng diện tích, phát triển kinh tế từ con cá mú” - ông Thư cho biết thêm.

Vừa là hội viên nông dân, nhưng ông Trần Công Thư cũng là cựu chiến binh tiêu biểu của xã Bình Hải thời gian qua. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Hải - ông Nguyễn Bích Nghi nhận xét: “Cựu chiến binh Trần Công Thư là người đầu tiên dấn thân vào lĩnh vực nuôi tôm trên sông cách đây gần 25 năm, rồi lót bạc trên cát, và bây giờ là người đầu tiên đưa cá mú trở thành sản phẩm được khai thác từ chính tiềm năng của địa phương. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng suy nghĩ của anh Thư thì vẫn chưa “nghỉ hưu”. Từ việc dìu dắt các con trai làm ăn để phát triển kinh tế, đến sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nông dân địa phương cùng nhau làm giàu đã cho thấy tinh thần dám nghĩ dám làm và tấm gương lao động của cựu chiến binh này”.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: