Nuôi tôm “khỏe” không khó

Wednesday,
21/02/2018
0

Biến đổi khí hậu cộng với những tác động nội tại đã khiến nghề nuôi tôm trở nên bấp bênh, sức đề kháng của con tôm cũng là điều đáng bàn. Dịch bệnh trên tôm có xu hướng tăng về phạm vi, mức độ và khó kiểm soát hơn. Làm gì để tôm “khỏe” đang là bài toán khiến ngành thủy sản “đau đầu”.


Chất lượng con giống

Con giống không tốt là một trong những nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm. Bởi thực tế, số lượng giống sản xuất trong nước chưa kiểm soát hoàn toàn, giống kém chất lượng vẫn tràn lan thị trường. Cùng đó, chất lượng tôm bố mẹ cũng rất nan giải. Tôm bố mẹ nhập khẩu vào Việt Nam dù được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, nhưng không ít tôm bố mẹ kém chất lượng vẫn “lọt”. Nhiều trang trại sản xuất chưa đảm bảo quy trình an toàn sinh học… Đây là nguyên nhân khiến sức đề kháng của tôm yếu, dễ bị bệnh dịch.

Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, người nuôi cần đặc biệt quan tâm khâu chọn giống. Mua tôm giống từ các cơ sở uy tín, nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ chất lượng. Xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi, đảm bảo âm tính với các mầm bệnh MBV, đốm trắng, taura, IMNV... Tôm sú giống đưa vào nuôi thương phẩm từ cỡ PL15 (12 mm); TTCT từ cỡ PL12 (9 - 11 mm). Tôm đồng đều về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt; phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa; phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám; đường ruột đầy thức ăn; không bệnh phát sáng. Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc bằng formol trước khi thả, lấy 100 - 200 tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch formol nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống > 95% là đạt yêu cầu.

Đảm bảo môi trường

Sức khỏe của tôm nuôi phụ thuộc rất lớn vào môi trường nước ao nuôi. Do vậy, cần cải tạo ao, xử lý nước, gây màu,… đúng kỹ thuật trước khi thả giống. Trong quá trình nuôi, chú ý theo dõi các chỉ tiêu chất lượng nước duy trì trong ngưỡng thích hợp, độ trong 30 - 40 cm; độ kiềm 80 -120 ppm; độ mặn 10 - 25‰; pH 7,5 - 8,5; ôxy hòa tan > 4 mg/l; H2S < 0,05 mg/l; NH3 < 0,3 mg/l. Tránh biến động lớn và đột ngột của các yếu tố môi trường. Kiểm tra các yếu tố như ôxy hòa tan, pH, độ trong hàng ngày; định kỳ 3 - 5 ngày/lần đo độ kiềm và NH3. Định kỳ 20 - 25 ngày xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất ( Eco Pro, BIO POWER…). Có thể điều chỉnh khung lịch thời vụ tránh khoảng thời gian nắng nóng.

Trong tháng nuôi đầu, giữ màu nước xanh nõn chuối tạo sự ổn định các chỉ số môi trường pH, kiềm, nhiệt độ, ôxy hòa tan,… tránh sinh tảo đáy hoặc tảo phát triển quá mức. Tháng thứ 2, giữ nước màu xanh nâu, mực nước sâu 1,4 - 1,8 m để nhiệt độ, ôxy hòa tan, pH dao động giữa ngày và đêm diễn ra chậm, không gây sốc cho tôm.

Tuân thủ đúng quy tắc, nuôi tôm sẽ thành công - Ảnh: LHV
 

Theo TS Lê Hồng Phước, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Cảnh báo môi trường, dịch bệnh miền Nam, cần phải lưu ý đến thời điểm thả giống, vì nếu độ mặn cao có thể làm tôm chậm lớn, ảnh hưởng đến sức đề kháng, tạo điều kiện cho bệnh hoại tử gan tụy cấp tính nhiều hơn.

Vấn đề dinh dưỡng

Muốn tôm phát triển nhanh, khỏe mạnh cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho tôm nuôi. Nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng, tôm dễ suy yếu, chậm lớn, cảm nhiễm bệnh.

Lựa chọn thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của tôm trong từng giai đoạn. TTCT từ khi thả nuôi đến cỡ 3 g/con, sử dụng thức ăn có protein tổng số ≥ 40%; từ 3 - 8 g, sử dụng thức ăn có protein tổng số 38%; từ 8 g đến khi xuất bán sử dụng thức ăn có protein tổng số 35 - 38%. Tôm sú, từ khi thả đến khi tôm đạt cỡ 5 g, sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm ≥ 45%; khoảng 5 - 10 g/con, dùng thức ăn có hàm lượng protein 42 - 45%; từ 10 g đến khi thu hoạch dùng thức ăn chứa 40 - 42% protein. Số lượng thức ăn trong tháng nuôi đầu bằng 8 - 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi, các tháng tiếp theo cho ăn với lượng 5 - 7%. Sau khi thả giống 15 - 20 ngày, có thể bổ sung thuốc bổ, men tiêu hóa, các loại khoáng, Vitamin C vào thức ăn cho tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường sức đề kháng.

Ngoài ra, tùy vào thực tế (sức khỏe của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết…) để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn thiếu hoặc thừa gây ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe của tôm.

Kỹ thuật nuôi

Để đảm bảo môi trường cũng như sức khỏe tôm nuôi, việc thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trước và trong suốt quá trình nuôi là rất cần thiết, đặc biệt là khâu cải tạo ao. Cải tạo ao kỹ sẽ hạn chế sự lưu giữ của mầm bệnh từ vụ nuôi trước. Nuôi với mật độ vừa phải cũng giúp tôm giảm stress, tăng sức đề kháng. Ở những vùng nuôi thường xuyên xuất hiện bệnh có thể tính đến việc ngắt vụ trong vài tháng để cắt đứt truyền lây của mầm bệnh. Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, thay vì nuôi đơn tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng với mật độ cao và rủi ro lớn, thì có thể nuôi xen ghép tôm với các đối tượng khác nữa như cá đối, rô phi, rau câu,… hoặc một số đối tượng khác để giảm rủi ro.

Điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp thông qua sàng ăn cũng như hoạt động bắt mồi của tôm, tránh cho tôm ăn thừa hoặc thiếu. Những ngày thay đổi thời tiết như mưa, nắng gắt chỉ cho 70 - 80% lượng thức ăn đã định. Từ ngày thứ 35 trở đi chỉ cho 70 - 80% lượng thức ăn theo yêu cầu. Theo dõi kỳ lột xác để giảm lượng thức ăn và tăng sau khi tôm lột xác xong.Cần chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theohướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày. Theo dõi tôm hàng ngày để có biện pháp ứng phó, gia giảm thức ăn cho phù hợp. Khi tôm có dấu hiệu bất thường nên giảm lượng thức ăn và duy trì chất lượng nước tốt.


Thủy sản Việt Nam






 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: