Nuôi tôm khốn khó

Thursday,
08/02/2018
0

Người nuôi tôm nước lợ ở Trà Vinh đã và đang khốn khổ với vốn và giống. Để có vốn cải tạo ao, mua con giống, thức ăn… người nuôi phải chạy vay “bạc nóng” với mức lãi 5 - 7%/tháng. Khi đồng vốn bó hẹp, họ cố gắng tiết giảm chi phí nên giống kém chất lượng, thế là thất bại chồng thất bại.


"Nhảy" ngân hàng

Ngay lúc này là mùa nuôi tôm chính vụ 2013 nhưng người nuôi tôm ở Hiệp Mỹ Đông (huyện Duyên Hải), Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) đã phải dở khóc, dở cười.

Ông Trần Hoài Thanh, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Đông nói: "Tụi tui đang rất khổ, hầu hết sổ đỏ đã thế chấp cho ngân hàng. Số tiền vay ấy đã tan theo xác tôm từ lâu rồi. Vụ tôm 2013 thiếu vốn, muốn vay thêm thì ngân hàng không mở hầu bao.

Để có vốn cải tạo ao, mua giống tôi phải gồng mình nhờ người thân vay 21 triệu đồng bạc nóng, lãi suất 5%/tháng, cao hơn ngân hàng 4%/tháng. Và tất cả cũng đã tan theo xác tôm thẻ khi tôm thả nuôi được 18 ngày thì phát bệnh gan vàng chết sạch".

Ông Cao Văn Thẳng, ấp Chợ bộc bạch: "Từ đầu năm đến nay mỗi khi nhắc đến chuyện vay vốn ngân hàng là nước mắt của tôi chảy ngược. Thấy một số hộ có nhiều đất, ngân hàng Kiên Long cho vay vốn nhiều hơn Ngân hàng NN-PTNT.

Thấy vậy, tôi đã chạy hỏi vay nóng 30 triệu, lãi 7%/tháng để trả ngân hàng NN-PTNT chuộc 2 sổ đỏ, rồi đem đi vay của Kiên Long. Sang Kiên Long thì họ trả lời chưa có kế hoạch cho vay mới. Bí quá quay trở lại Ngân hàng NN-PTNT thì họ trả lời chưa bố trí được vốn mới. Thế là phải ôm 2 cái sổ đỏ 3 ha về nhà bỏ vào tủ mà phải lo tiền đóng lãi số tiền vay bạc nóng 7%/tháng".

Không chỉ ông Thanh, ông Thẳng mà nhiều bà con khác trên cánh đồng tôm Trà Vinh đã cạn vốn SX phải đi vay bạc nóng để nuôi tôm. Khi người nuôi không đủ vốn thì cái gì cũng tiết giảm và chính điều này đã dẫn đến “thất bại chồng thất bại”.

http://nongnghiep.vn/Upload/Image/2013/5/12/12052013150600.jpg
Nhiều ao tôm nuôi thiệt hại, dân bỏ phế

Có tiền thì bà con đi đến tận nơi SX giống, lấy mẫu mang đi kiểm định chất lượng, kết quả âm tính mới mua. Còn năm nay không có tiền thì cứ tin đại lý “bảo đảm giống tốt” nhưng thả là phát bệnh gan vàng, đốm trắng… chết sạch.

Ông Thanh nói: "Đã 3 vụ liên tiếp tin vào đại lý bán giống, hậu quả là tôm thả nuôi phát bệnh chết sạch. Trong khi đó, người nào có tiền đi ra tận nơi SX giống, lấy mẫu đi xét nghiệm thì tỷ lệ thành công cao hơn. Cái khổ của người nuôi tôm ở Hiệp Mỹ Đông tiếp tục lâm nạn là thiếu vốn SX".

Ông Thanh nói: "Ngân hàng muốn dân có tiền trả nợ thì họ nên mở hầu bao cho vay thêm tiền để SX. Ngân hàng bế hầu bao như hiện nay thì số nợ đã vay sẽ trở thành món nợ quá hạn và khó đòi".

Ông Phạm Văn Quắn, ấp 4, xã Mỹ Long Nam cũng đã thất bại liên tiếp 3 vụ. Ông Quắn nói: "Tôm thả nuôi được hơn 1 tháng thì bệnh chết sạch, bao nhiêu vốn đã tan theo xác con tôm. Hiện tại, 3 ao tôm 9.000 m2 đã chọn cách để bắt tôm cá tự nhiên sống đắp đổi qua ngày chờ đến vụ tôm 2014. Nếu lao đầu vào tìm cách gỡ nợ mà đi vay bạc nóng tái đầu tư SX thì tôi không mạo hiểm".

Càng nuôi càng tắc!

Còn ông Võ Văn Long, ấp Chợ là người nuôi tôm khá giỏi trên vùng đất Hiệp Mỹ Đông chia sẻ: Phong trào nuôi tôm trong thời gian qua phát triển quá ồ ạt, người người, nhà nhà nuôi tôm vượt tầm kiểm soát của ngành chuyên môn. Khi phát triển nóng như thế thì kỹ thuật của người nuôi không theo kịp nên bao giờ cũng xảy ra dịch bệnh. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Bây giờ nuôi tôm bệnh tật luôn rình rập từng ao, tất cả các ao nuôi tôm trên 1 tháng tuổi đều có mầm bệnh ứng chiến đợi khi thời tiết, môi trường xấu là bùng phát thành dịch. Dịch bệnh trên tôm nuôi giống như "tình báo" đang mai phục ao tôm 24/24.

Mặt khác, con giống quyết định thành công trên 40% trong qui trình nuôi. Chính bản thân tôi cũng đã từng thất bại nặng trong việc đặt niềm tin vào nhau trong việc “nhờ chọn mua con giống”.

 

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, từ đầu vụ tôm đến nay toàn tỉnh có hơn 2.300 ha tôm nuôi bị thiệt hại, với khoảng 255 triệu con giống, chiếm khoảng 30%/tổng diện tích thả nuôi. Tôm nuôi thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn từ 20 - 60 ngày tuổi. Còn vốn tái SX thì người nuôi tôm đang thiếu trầm trọng.

Bây giờ đi mua giống tôm thẻ chân trắng là phải đến tận nơi SX và bố trí người mang mẫu đi kiểm tra, bố trí người ở lại giữ những bể giống đã lấy mẫu. Phải giữ 3 ngày có kết quả xét nghiệm tốt mới mua. Thường trong số 5 bể lấy mẫu mang đi xét nghiệm tỷ lệ đạt 2 - 3 bể. Những bể không đạt chất lượng chúng tôi bỏ lại nhưng tất cả vẫn tiêu thụ được hết.

Thị trường con giống tôm nước lợ đang loạn, ngành chức năng không thể kiểm soát nổi tình hình SX và tiêu thụ của các đơn vị SX và ương dưỡng. Cuối cùng là người dân nuôi tôm ít vốn lãnh đủ. Thực tế hội chứng bệnh chết sớm ở tôm nuôi đến thời điểm này vẫn là ẩn số. Mỗi lần xảy ra dịch bệnh trên tôm thì anh em chuyên môn đều dự báo được trước, biết vậy nhưng không thể ngăn được.

Ông Long nói: Từ cái khó khăn về vốn đã làm cho người nuôi tôm thua thiệt đủ điều. Dịch bệnh càng ngày càng phức tạp vì thế đầu tư nuôi tôm là năm sau vốn phải cao hơn năm trước. Nếu năm trước thất bại, năm sau không có vốn, đầu tư ít thì càng nuôi càng chết. Đó là bài học mà tôi đúc kết được từ nhiều lần thất bại của nghề nuôi tôm nước lợ.


Theo NNVN

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: