Mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hòa ở ấp Hòa Nhờ B, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên đạt được điều đó. Bởi dù thu hoạch tôm vào thời điểm giá giảm sâu nhưng vẫn có được mức lãi 100 triệu đồng chỉ với 6.000 m2 ao nuôi.
Nuôi tôm thẻ cần giữ được môi trường ao nuôi tốt, hạn chế dịch bệnh phát sinh
Ông Nguyễn Văn Hòa có 3 ao nuôi (2.000 m2/ao) và 1 ao lắng, dù không có điều kiện đầu tư nuôi thâm canh lót bạt, nhưng ở vụ đầu tiên ông cũng lời được 100 triệu đồng. “Do nuôi ao đất, nên tôi chỉ thả với mật độ 40 con/m2 cho chắc ăn. Vụ đầu tôi thu hoạch vào tháng 4 đúng ngay thời điểm tôm rớt giá mạnh, nên tôi chỉ bán tôm loại 50 con giá 100.000 đồng/kg, tính ra cũng còn lời được 100 triệu đồng. Vậy là may rồi đó, chứ ở đây nhiều người thu hoạch vụ đầu chỉ có huề với lỗ thôi”, ông Hòa cho biết thêm.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi của mình, ông Hòa bộc bạch: “Nuôi tôm thẻ ao đất thường hay gặp nhiều rủi ro, nhất là về môi trường và dịch bệnh. Vì vậy, để giữ được môi trường ao nuôi tốt, hạn chế dịch bệnh phát sinh, tôi chọn hình thức thả với mật độ vừa phải và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường nước và đáy ao. Cũng nhờ cách làm này mà 3 ao tôm của tôi đều mau lớn, chi phí giá thành giảm nên dù thu hoạch gặp lúc giá tôm thấp tôi vẫn có lời”. Nói về giải pháp giảm giá thành nuôi tôm, ông Hòa thông tin thêm: “Cái chính là mình phải theo dõi ao nuôi thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh. Phải biết con tôm đang thiếu gì, cần gì, số lượng khoảng bao nhiêu để bổ sung kịp thời, chứ không phải cứ theo công thức chung được”.
Sau thành công ở vụ nuôi đầu tiên, nhận thấy điều kiện nuôi vẫn còn phù hơp, ông Hòa tiếp tục thả nuôi vụ 2 cũng với mật độ 40 con/m2. Hiện tại, 3 ao tôm thẻ vụ 2 của ông Hòa đã được trên 2 tháng, cỡ tôm khoảng 80 con/kg, trong khi giá tôm đang lên, nên ông Hòa hy vọng sẽ có lợi nhuận cao hơn từ vụ 2 này trước khi cho ao nghỉ ngơi chuẩn bị bước vào vụ nuôi năm 2019.
Khi được hỏi mỗi khi con tôm gặp trục trặc có phải sử dụng kháng sinh để điều trị hay không, ông Hòa thẳng thắn: “Hồi trước thì có, còn bây giờ ít ai sử dụng lắm, bởi sau khi điều trị bằng kháng sinh con tôm rất chậm lớn mặc dù chúng vẫn ăn nhiều, nên tính ra không có lời. Bây giờ ở đây hầu hết là sử dụng vi sinh từ khâu xử lý, gây màu nước cho đến quản lý môi trường ao nuôi. Chỉ có điều con tôm thẻ nuôi bằng ao đất màu sắc không đẹp như nuôi trong ao lót bạt, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng lớn đến giá bán vì phần lớn đại lý thu mua chỉ kiểm tra không có dư lượng kháng sinh là đồng ý thu mua”.
Khu vực xã Hòa Tú 2 là nơi có độ không cao, chỉ khoảng trên dưới 10‰, nên để nuôi tôm thẻ với mật độ cao trong ao đất là rất khó, đòi hỏi người dân phải có trình độ kỹ thuật và tay nghề mới có hiệu quả cao. Vì vậy, việc chọn nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ vừa phải như ông Hòa và một số hộ nuôi trong ấp Hòa Nhờ B được xem là cách nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng nuôi. Tuy nhiên, để đi đến thành công như ngày hôm nay, ông Hòa cũng như những hộ nuôi tôm ở đây đã phải trả không ít “học phí” cho những lần thất bại của mình. Không chỉ thả nuôi với mật độ vừa phải, việc chuyển từ kháng sinh sang vi sinh cũng giúp môi trường nuôi ngày một tốt hơn, giúp cho vùng nuôi Hòa nhờ B nói riêng và xã Hòa Tú 2 nói chung có được thành công trong những năm gần đây.
>> Ông Nguyễn Văn Hòa tự tin: “Tôm cỡ 80 con/kg là hết lo rồi, ráng lo chăm sóc tốt thêm khoảng 15 - 20 ngày nữa là coi như có tiền trong tay. Mấy ngày nay giá tôm đang cao, cộng thêm con tôm của mình là tôm sạch nên lúc thu hoạch bán được giá”.
Nguồn: Thủy sản Việt Nam