Nuôi tôm nước lợ 2016: Đẩy nhanh tiến độ xuống giống

Wednesday,
21/02/2018
0

Ngày 25/2/2016 tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị giao ban triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2016 với nhiều thành phần tham gia, dựa trên báo cáo thực tế cho thấy giá tôm đầu năm đang khá hấp dẫn nhưng việc thả nuôi còn khá chậm.


Tôm được giá

Theo đại diện của Sở NN&PTNT Cà Mau, giá tôm đầu năm 2016 rất khả quan và có lúc tăng 30% so cùng kỳ năm trước. Tình hình sang năm 2016 đúng như dự đoán, tôm trong nước đã tiêu thụ hết và hiện tôm các nước gặp nhiều dịch bệnh, nên thị trường khan hiếm tôm nguyên liệu. "Ngành tôm tỉnh Cà Mau vừa đi khảo sát tại Ấn Độ và tận mắt nhìn thấy một đợt "hồng thủy" ở Ấn Độ, xóa đi nhiều vùng nuôi tôm khiến giá tôm ở Ấn Độ tăng cao xấp xỉ, thậm chí cao hơn tôm Việt Nam", vị đại biểu này chia sẻ. Diễn biến phức tạp của thời tiết khiến nhiều nước gặp tổn thất, Thái Lan cũng đang trên đường phục hồi sản lượng và dự báo cuối năm 2016 mới có thể đạt được những kết quả khả quan, do Thái Lan cần phải cơ cấu và tái thiết ngành tôm.

Nhìn rộng toàn vùng ĐBSCL cũng cho thấy, năm 2015, sản lượng tôm vẫn được duy trì, nhưng thực tế thì diện tích giảm nhiều: "Do cách tính của chúng ta dựa vào kết quả thu hoạch chứ không dựa trên diện tích nuôi thả, do vậy nhiều nơi thả nuôi nhiều đợt, do tôm chết, nên sản lượng vẫn bảo đảm, song thực tế việc treo ao vẫn diễn ra và nhiều hộ không còn sản xuất nữa", đại diện ngành thủy sản Sóc Trăng cho biết.

Dựa trên báo cáo thực tế cho tới thời điểm cuối tháng 2, Tổng cục Thủy sản đánh giá: "Việc xuống giống đang có dấu hiệu lạc quan, so với cùng kỳ năm ngoái, diện tích xuống giống tăng 30%".

 

Bài toán về con giống

Vấn đề nóng tại hội nghị giao ban lần này đó là con giống trong năm 2016 sẽ khó khăn và thậm chí có thể không đáp ứng được yêu cầu. Đại diện Công ty C.P. Việt Nam cho biết, tôm giống bố mẹ của Công ty sản xuất đang rất khan hiếm, thậm chí chỉ đủ cung cấp cho hoạt động của mình; do đó, Công ty chỉ có thể xem xét cung cấp tôm giống bố mẹ cho một số công ty đối tác". Lãnh đạo của Tập đoàn Việt - Úc giải thích, tôm giống bố mẹ do 3 công ty lớn của thế giới thao túng, song giá trị kinh tế của kinh doanh tôm giống không cao, do vậy nguồn cung tôm giống ngoại ngày càng giảm. Các nước đang tích cực tự chủ động nguồn tôm giống bố mẹ.

Tôm giống cần đảm bảo chất lượng, sạch bệnh - Ảnh: PTC
 

Được biết, Tập đoàn Việt - Úc là một trong số các đơn vị gia hóa tôm bố mẹ thành công với kết quả hết sức lạc quan và xu hướng này cũng đang trở thành chủ đạo của ngành tôm Đông Nam Á. Tuy vậy, đại diện của Hiệp hội Tôm Ninh Thuận, nơi cung cấp tôm giống chủ lực lại cho biết, việc quản lý tôm giống gia hóa chưa hiệu quả. Có khoảng 50 công ty đang kinh doanh trong lĩnh vực này, nhưng thực chất thì chỉ một số công ty lớn là gia hóa thành công, cung cấp tôm giống có chất lượng.

Còn theo báo cáo của ngành thú y, con số cực kỳ đáng lo ngại đó là qua nghiên cứu lấy mẫu phân tích 200 cơ sở sản xuất tôm giống thì nhiều cơ sở tôm giống hiện nay bị nhiễm bệnh; do đó, không ngoại trừ việc họ cung cấp cho thị trường nguồn tôm nhiễm bệnh. Liệu có nên hủy bỏ những đàn tôm giống bố mẹ nhiễm bệnh hay không, để ngăn ngừa khả năng lây truyền nguồn bệnh là điều mà nhiều người quan tâm hiện nay.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc kiểm soát các trung tâm giống đang khá khó khăn. Bởi, ông tận mắt thấy các công ty giống cung cấp khoảng 500 xe tôm giống mỗi đêm. Nếu kiểm tra chất lượng tôm tại chỗ thì mất 4 tiếng mới có kết quả, như vậy xe tôm giống sẽ ùn tắc. Bởi vậy, việc quản lý tôm giống từ trong trại giống, cấp chứng nhận tiêu thụ đang là cách quản lý phổ biến.

Đẩy mạnh quan trắc

Về giải pháp cho vụ tôm mới, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương không nên cấm mà chỉ nên khuyến cáo các cơ sở hạn chế thả tôm những thời điểm thời tiết cực đoan. Trong khoảng thời gian tới, từ tháng 3 - 4 dự báo nhiều vùng sẽ gặp thời tiết khắc nghiệt. Mặt khác, hạn hán, ngập mặn đang diễn tiến và khoảng thời gian này nhiệt độ có thể tăng cao. Tuy vậy, kinh nghiệm người nông dân các tỉnh cho thấy, nếu đua nhau thả tôm vào lúc thời tiết thuận lợi thì kết quả là tôm có sản lượng, nhưng tiêu thụ khó khăn do cung vượt quá cầu, được mùa rớt giá. Nhiều người dân cho rằng sở dĩ vớt vát được từ con tôm là do thả tôm trái vụ và thả tôm thành công trong những thời kỳ thời tiết khó khăn, do tôm lúc đó được giá.

Thực tế sản xuất thì tình hình xuống giống hiện nay tăng 30% so với cùng kỳ là do người dân muốn tranh thủ lúc thời tiết khó khăn, thả tôm bán được giá, bù lại thất bát trong mùa tôm 2015. Điều này cho thấy các cơ sở nuôi tôm đã có kiến thức, có sự đầu tư hơn trước kia, bởi vậy họ tự tin hơn trong việc thả giống trong điều kiện thời tiết xấu. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, con tôm rất nhạy cảm với môi trường, do vậy, việc thả tôm trên phạm vi rộng lúc này là rất mạo hiểm. Do đó, hai vấn đề cần chú ý đó là phải kiểm tra chất lượng tôm giống, phải thả tôm đủ kích cỡ, tôm sạch bệnh. Ngoài ra, quan trọng hơn cả là các địa phương phải tích cực quan trắc về các chỉ số môi trường và nước, cập nhật liên tục cho ngành tôm. Thực tế thì việc xuống giống chậm hơn 5 - 7 ngày có thể tránh được cho tôm những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, lúc đó, tôm giống vẫn được nuôi ở các trại giống nên vẫn trong tình trạng an toàn.

Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: