Nuôi tôm nước lợ: "Cuộc chiến" chống dịch bệnh

Monday,
12/02/2018
0

Mấy năm nay, dịch bệnh trên tôm nước lợ xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản, công tác phòng chống dịch bệnh đã có nhiều kết quả đáng kể.


Dịch bệnh gây thiệt hại nặng

Bệnh đốm trắng xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm nhưng nhiều nhất vào các tháng từ 4 đến 9. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng nuôi tôm và chủ yếu ở tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh. Bệnh này xảy ra trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở mọi kích cỡ và mọi giai đoạn nuôi; trong đó, tôm sú thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Với bệnh hoại tử gan tụy cấp thì được ghi nhận trên cả tôm sú và TTCT, xuất hiện lần đầu tại Sóc Trăng từ tháng 5/2011. Bệnh hoại tử gan tụy cấp thường xuất hiện ở giai đoạn 15 - 45 ngày sau khi thả nuôi, bệnh xuất hiện trên cả hai đối tượng là TTCT và tôm sú với nguy cơ mắc bệnh đều cao như nhau.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ xảy ra trên diện rộng, kéo dài và diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ đã lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ với nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ trong cả nước; Ban phối hợp với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu nhằm nhanh chóng xác định nguyên nhân dịch bệnh. Xây dựng và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện giải pháp khắc phục dịch bệnh, sớm ổn định sản xuất.

Dịch bệnh tôm nước lợ đang xảy ra ở nhiều tỉnh ĐBSCL - Ảnh: Thanh Ngân

Từng bước kiểm soát

Về nguyên nhân gây bệnh trên tôm mà cụ thể là hai bệnh trên, với bệnh đốm trắng, tác nhân, nguyên nhân gây bệnh đốm trắng và các con đường lây nhiễm của tác nhân gây bệnh đốm trắng đã được xác định rõ từ những năm 2000. Đó là bệnh đốm trắng do virus đốm trắng (WSSV) gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền theo cả trục dọc (từ bố mẹ sang ấu trùng) và trục ngang (giữa các cá thể tôm bị bệnh hoặc mang mầm bệnh), thậm chí nguồn tôm đông lạnh mang mầm bệnh WSSV cũng là mối nguy truyền bệnh. Bệnh lây lan qua nguồn nước, qua dụng cụ đánh bắt, vận chuyển và qua tiếp xúc vật mang mầm bệnh. Giáp xác được xác định là một trong những mối nguy mang mầm bệnh đốm trắng tiềm ẩn. Đây là một trong những bệnh virus nguy hiểm đối với nghề nuôi tôm công nghiệp, không chỉ có ở Việt Nam; do đó nhiều nghiên cứu đã tập trung và phát triển phương pháp chẩn đoán bệnh sớm, góp phần sàng lọc tác nhân gây bệnh WSSV trước khi nuôi, tập trung xây dựng biện pháp khống chế dịch bệnh.

Tại Hội thảo khoa học mới đây về bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nước lợ, các nhà khoa học đều khẳng định sàng lọc con giống tôm trước khi nuôi và kiểm soát vật mang mầm bệnh WSSV là những yếu tố quan trọng góp phần khống chế dịch bệnh đốm trắng.

Với bệnh gan tụy cấp, đây là bệnh mới lây lan, nguyên nhân chưa rõ, xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc (2009), Việt Nam (2011), Malaysia, Thái Lan (2012). Trước mức độ nguy hiểm của bệnh, Ban chỉ đạo đã phối hợp với các đơn vị tổ chức trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu xác định nguyên nhân. Với sự vào cuộc của Cục Thú y, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III; Trường Đại học Cần Thơ; Viện Môi trường Nông nghiệp; Tổ chức quốc tế FAO; nhóm chuyên gia hàng đầu Đại học Arizona (Mỹ), nhóm chuyên gia Thái Lan đã tập trung nghiên cứu xây dựng định nghĩa bệnh, bản đồ dịch tễ, xác định đánh giá vai trò các yếu tố vô sinh (nhiệt độ, độ mặn, H2S, NH3, NO2, thuốc bảo vệ thực vật), đánh giá vai trò của các yếu tố hữu sinh như tảo độc, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, bacteriophage và xác định sự liên quan của chế phẩm sinh học, thức ăn dùng trong nuôi tôm đến Hội chứng gan tụy cấp (AHPND).

Các nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng nhóm vi khuẩn Vibrio liên quan mật thiết đến bệnhAHPND, đặc biệt trong đó có loài V.parahaemolyticius, một số yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, pH, độ mặn cao và H2S cao là những yếu tố nguy cơ đối với dịch bệnh AHPND; thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, tảo độ không liên quan.

Thời gian tới, người nuôi tôm tiếp tục được khuyến cáo những giải pháp giúp hạn chế thiệt hại của bệnh. Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã đề ra một số biện pháp và đang chỉ đạo thực hiện. Đó là, điều chỉnh lịch mùa vụ nuôi tôm, tránh cao điểm bùng phát dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp; đưa chỉ tiêu VibrioV.parahaemolytics vào kiểm dịch con giống tôm và thắt chặt việc kiểm dịch và xét nghiệm con giống; xả tháo nước nhiễm bệnh ra môi trường nuôi; tăng quan trắc, cảnh báo môi trường kiểm soát một số yếu nguy cơ như nhiệt độ, pH, độ mặn; và cuối cùng là kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong trại giống và trong quá trình nuôi. Đặc biệt, tăng tuyên truyền các mô hình phòng bệnh hiệu quả trên TTCT.
 

Thủy sản Việt nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: