Nuôi tôm ở ĐBSCL: Giảm chi phí, tăng hiệu quả nhờ điện

Wednesday,
21/02/2018
0

Trước đây, việc nuôi tôm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư cao vì phải chạy máy nổ. Tuy nhiên, kể từ khi có điện lưới quốc gia, mối lo này đã được cởi bỏ một phần.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2016_10/726a2bf54df5e3fb91b28e6a1acaa245_dung_dien_nuoi_tom_giup_giam_chi_phi_-_anh_dinh_dung.jpg


Những khó khăn khi thiếu điện

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL có hơn 600 nghìn ha nuôi tôm, chiếm hơn 80% diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong vài năm trở lại đây, do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khiến các cây trồng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các công ty thiếu nguyên liệu sản xuất, giá tôm tăng cao khiến nhiều bà con nông dân tiếp tục đầu tư nuôi tôm, diện tích không ngừng được mở rộng. Đơn cử như ở Sóc Trăng, năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 25,6 nghìn ha nuôi tôm nước lợ thì đến năm 2016 diện tích thả nuôi tăng lên gần 48 nghìn ha. Hay như ở Trà Vinh, diện tích nuôi tôm có thời kỳ tăng tới trên 50%/năm.

Đại diện ngành Nông nghiệp các tỉnh phía Nam cho biết, diện tích nuôi tôm tăng, ngoài những lý do trên còn có tác động của hệ thống lưới điện ngày càng được đầu tư rộng khắp. Trước đây, để nuôi tôm công nghiệp, người dân phải đầu tư mua máy nổ chạy dầu sục khí hoặc bơm nước, chi phí mua nhiên liệu cao, chỗ lưu trữ tạm bợ, có khi gây ô nhiễm môi trường sinh ra dịch bệnh, tôm chết hàng loạt.

Ở một số nơi được kéo điện, người dân sử dụng điện nuôi tôm nhưng chất lượng điện thấp, không ổn định nên việc sản xuất luôn gặp khó khăn. Đơn cử như trường hợp gia đình ông Huỳnh Khánh Lượng (xã Trung Bình, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng) có 30 ao nuôi tôm thẻ, diện tích gần 12ha. Nhưng do không đủ điện nuôi tôm, công suất của các trạm biến áp thấp, chỉ đạt 150kVA, không thể thả nuôi hết các ao mà chỉ thả luân phiên, vừa tốn công chăm sóc mà hiệu quả không cao.

Lợi ích thiết thực

Đến nay, hầu hết các tỉnh phía Nam đều có quy hoạch nuôi tôm, nhu cầu về điện cũng tăng cao. Để đáp ứng yêu cầu này, trong nhiều năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo nâng cấp hệ thống điện; thậm chí có cả dự án dành riêng cho nuôi tôm công nghiệp. Đơn cử như ở Trà Vinh, trong hai năm 2014 - 2015, EVN SPC đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để phát triển lưới điện cho các vùng nuôi tôm. PC Trà Vinh cũng triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 3 (DPL3) với tổng vốn trên 103 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm nước lợ.

Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Ðiện lực tỉnh Sóc Trăng cho biết, công ty đã thực hiện Dự án thành phần lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, thuộc dự án DPL3. Dự án có tổng mức đầu tư 187,5 tỷ đồng, với quy mô cải tạo và xây dựng mới 144km đường dây trung thế, 471,7km đường dây hạ thế, 340 trạm biến áp có tổng dung lượng 33 nghìn 120kVA. Nhờ đó đã góp phần giúp hàng nghìn hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng yên tâm sản xuất, giảm chi phí nuôi tôm, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập.

Ông Sơn Tộ (phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu) cho hay, từ khi có nguồn điện ổn định, chi phí nuôi tôm của gia đình giảm phân nửa. Trước đây, gia đìnhông dùng máy dầu bơm nước cho hai ao tôm, một tháng phải dùng 120 lít dầu; nay chạy bằng điện, cả tháng chỉ tốn chừng 1 triệu đồng.

Đối với ông Lượng, việc có đủ điện với chất lượng tốt đã giúp ông nuôi hết diện tích, sản lượng tăng, chi phí giảm khiến doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận từ tôm cũng tăng cao hơn.

Có thể nói, bằng việc đầu tư, phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp ở các tỉnh phía Nam, ngành Điện không chỉ giúp bà con nông dân yên tâm nuôi trồng thuỷ sản, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần mà còn góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

BÁO CÔNG THƯƠNG


 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: