Nuôi tôm quảng canh ít thay nước 2 giai đoạn thích ứng với biến đổi khí hậu

Wednesday,
12/06/2019
0

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, gây không ít tác động xấu đến nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Qua đó, giúp người dân chủ động bảo vệ được môi trường nước, hạn chế rủi ro và nâng cao năng suất, sản lượng trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước sử dụng ao vèo 2 giai đoạn của gia đình ông Lê Minh Thuấn đem lại kết quả khả quan.

Cách đây 3 năm, ông Lê Minh Thuấn, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời  và gần 50 hộ dân trong vùng được Trung Tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ tham gia vào mô hình “Cánh đồng lớn nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước 2 giai đoạn” trên tổng diện tích 50ha. Áp dụng mô hình này, người nuôi như ông Thuấn được hướng dẫn tuân thủ quy trình cải tạo ao nuôi và thả tôm giống vào ao vèo trước khoảng từ 20 – 25 ngày, sau đó mới thả vào ao nuôi với mật độ thả thưa từ 1 - 3 con/m2. Nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi để tái tạo nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, xử lý kịp thời và kiểm soát dịch bệnh nên sau 3 tháng thực hiện năng suất tôm đạt được từ 400 – 500 kg/1ha/vụ. Nếu cải tạo tốt, mỗi năm người dân có thể nuôi từ 3 – 5 vụ.

Ông Lê Minh Thuấn cho biết: “Một trong những điểm nổi bật của mô hình này là sự liên kết cộng đồng trong quá trình nuôi, từ khâu cải tạo ao đầm đến thả giống đều phải đồng loạt. Bờ bao phải gia cố kỹ để chống rò rỉ phục vụ cho việc ít thay nước. Đặc biệt, việc nuôi tôm qua 2 giai đoạn từ hầm vèo đến thả nuôi, giúp quản lý chặt chẽ được nguồn giống đầu vào. Gia đình tôi có 1ha đất sản xuất, 1 năm cũng thu hoạch hơn 1 tấn tôm”.

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn đem lại năng suất và nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Ông Lê Hùng Dũng, ấp Tân Hiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Trước đây, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch chưa đến 100kg tôm, nhưng kể từ khi chuyển qua cách vèo tôm qua 2 giai đoạn đã giúp tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao gấp nhiều lần so với trước. Hiện nay, mặc dù thời gian thử nghiệm mô hình đã kết thúc, nhưng tôi và nhiều người dân vẫn tham gia thành lập tổ hợp tác, tiếp tục duy trì thực hiện mô hình này để nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, sử dụng ao vèo 2 giai đoạn, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện và thành phố Cà Mau tổ chức triển khai “Mô hình hỗ trợ thiết bị ương tôm giống phục vụ nuôi tôm 02 giai đoạn”, quy mô 54 bể (diện tích 80 m2/bể), với 54 hộ tham gia. Theo đánh giá, tỉ lệ sống trung bình ở các bể ương đạt từ 85 - 90%, trọng lượng bình quân khi chuyển sang nuôi giai đoạn 2 khoảng 6.000 - 10.000 con/kg (kích cỡ từ 1,8 – 2,2 cm). Từ đó, đã tạo điều kiện cung cấp nguồn giống chất lượng cho các thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ dân lân cận trên địa bàn các huyện, thành phố.

Qua khảo sát một số hộ nuôi tôm 2 giai đoạn khoảng 50 ngày, kích cỡ tôm đạt 40con/kg, rất nhiều hộ thu hoạch cho kết quả rất khả quan. Từ hiệu quả của việc triển khai lắp đặt và vận hành thành công 54 bể ương tôm hai giai đoạn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai sâu rộng đến người dân. Tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có trên 28.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến 02 giai đoạn, với trên 23.400 hộ nuôi.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau Mã Huy cho biết: “Hiện tại một số doanh nghiệp đã có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để xây dựng một số mô hình, bể ương tôm giống 2 giai đoạn để hỗ trợ người dân. Kinh phí sẽ được xã hội hóa bằng nguồn vốn của doanh nghiệp với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của lực lượng cán bộ Trung tâm, sao cho đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương, các hội đoàn thể tăng cường phát huy các kênh thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ về mô hình. Chúng tôi xem như đây là năm bản lề thực hiện nhiều cách làm, giải pháp đột phá giúp người dân nâng cao năng suất, sản lượng, hướng đến nuôi tôm một cách bền vững”.

Nguồn: Tepbac

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: