Tôm nuôi dưới tán rừng ở Cà Mau tạo ra sản phẩm sạch, giá ổn định giúp nhiều nông dân thu lãi cao so với cách truyền thống.
Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm sinh thái.
Tỉnh Cà Mau có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích đất nuôi tôm chiếm khoảng 280.000 ha. Bên cạnh sản xuất theo cách làm truyền thống, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình tôm - rừng theo hướng sinh thái, tạo ra sản phẩm sạch đạt chuẩn quốc tế, tăng giá trị.
Ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, ông Trần Ngọc Hồ được xem là người tiên phong cho phong trào nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn. Gia đình ông có 5 ha đất nhưng hiệu quả kinh tế không cao sau nhiều năm sản xuất theo cách truyền thống.
"Hơn 2 năm trước tôi được hướng dẫn quy trình phát triển nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng nên mạnh dạn làm theo, kết quả mang lại thật bất ngờ", ông Hồ nói. Bình quân mỗi năm, sau trừ chi phí, ông còn lãi trên 200 triệu đồng.
Người nuôi tôm theo mô hình mới này cho biết, con tôm phát triển rất tốt dưới tán rừng, sản phẩm tạo ra đạt chất lượng sạch nên ngoài việc được trợ giá thu mua cao, bà con còn được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng (500.000 đồng trên mỗi ha rừng) hàng năm.
"Hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ so với mô hình truyền thống, đồng thời người nuôi được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật", nông dân Trần Văn An nói.
Theo người nuôi, chi phí sản xuất cho mô hình nuôi tôm sinh thái rất thấp do không sử dụng thức ăn công nghiệp; không dùng các chất kháng sinh, chỉ sử dụng được vôi, nếu muốn dùng chế phẩm sinh học người nuôi phải được chứng nhận rõ nguồn gốc. Đặc biệt, với mô hình này, người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý cải tạo và chăm sóc; khâu lựa chọn con giống...
Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, toàn tỉnh hiện có diện tích tôm – rừng khoảng 80.000 ha, tập trung nhiều tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi... Chính quyền các địa phương này có kế hoạch phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nguồn: VnExpress