Tính đến đầu năm 2018, diện tích ao nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt gần 1.000 ha, tăng gấp đôi so với kế hoạch năm 2017.
Ao nuôi tôm tại Cà Mau
Mặc dù, hình thức nuôi này đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với các hình thức nuôi tôm khác, nhưng nhiều người nuôi tôm trong tỉnh chưa coi trọng việc bảo vệ môi trường. Hiện, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao, nhưng phải tuân thủ tốt việc bảo vệ môi trường.
* Nguy cơ ô nhiễm từ vùng nuôi
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tại vùng nuôi cho thấy, nhiều người nuôi tôm chưa tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường; trong đó, việc bố trí hệ thống xử lý, chất thải, nước thải chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Hầu hết, các hộ nuôi tôm siêu thâm canh đều có bố trí ao chứa và xử lý nước thải, nhưng lại xử lý không triệt để, diện tích ao chứa chưa phù hợp…
Anh Trần Huy Hoàng, ấp Nhị Nguyệt, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi chia sẻ, gia đình có diện tích đất nuôi tôm gần 1,5 ha. Do không có nhiều vốn đầu tư nên bước đầu gia đình chỉ cải tạo được 1 ao nuôi tôm siêu thâm canh có diện tích 1.400m2. Vụ nuôi đầu tiên vào năm 2017, thu hoạch đạt năng suất 4,2 tấn tôm, gia đình thu được lãi khoảng 50 triệu đồng.
Khi được hỏi về xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm, anh Hoàng cho hay: ”Gia đình tôi đã bố trí 1 ao diện tích 4.200m2 để dùng làm ao lắng và chứa nước thải. Cách làm này, trước mắt đã hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường”.
Năm nay, gia đình anh Hoàng dự định mở rộng thêm 1 ao nuôi có diện tích 1.000m2. Tuy vậy, với điều kiện tài chính hiện tại thì gia đình chưa có đủ khả năng trang bị hệ thống xử lý nước thải trong phục vụ nuôi tôm lâu dài.
Anh Diệp Văn Hải, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi theo đuổi nghề nuôi tôm gần 15 năm. Do nắm vững kỹ thuật nuôi tôm nên từ năm 2016 đến nay, anh Hải đã mạnh dạn đầu tư trên nửa tỷ đồng ”nâng cấp” 4 ao nuôi tôm siêu thâm canh, mỗi ao có diện tích 1.400m2. Mỗi năm, gia đình anh nuôi ít nhất 3 vụ, thu hoạch vụ nào cũng thu được lãi cao. Song, đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vì có thời gian nuôi ngắn nên rất dễ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Anh Diệp Văn Hải đã chủ động bố trí 4 ao chứa, mỗi ao có diện tích khoảng 6.000m2 dành làm ao chứa, xử lý nước thải theo quy trình tuần hoàn nước khép kín, tuyệt đối không xả nước thải nhiễm bẩn ra sông. Như thế vẫn chưa đủ, trước nhu cầu phát triển thêm diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, anh Hải còn tính đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước xả thải, bảo vệ tốt môi trường.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở tỉnh Cà Mau gần đạt ngưỡng dự kiến đến năm 2020, với diện tích khoảng 1.000 ha. Mô hình nuôi này đang phát triển nhanh tại các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… Điều đáng quan tâm, thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh đã đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý mô hình nuôi thủy sản khá mới mẻ này.
*Thực hiện giải pháp mạnh
Huyện Đầm Dơi là địa phương có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh lớn nhất của tỉnh với gần 450 ha; tập trung nhiều nhất ở xã: Tân Trung, Trần Phán, Tạ An Khương Nam, Tân Duyệt, Quách Phẩm Bắc. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi khẳng định, loại hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả trên 80%, nâng suất đạt từ 30 – 40 tấn/ha/vụ nuôi. Người nuôi tôm dễ làm giàu do thu được lợi nhuận cao, nhiều hộ dân thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm từ mô hình nuôi này.
Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển nhanh của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, chưa kể các trường hợp nuôi tôm tự phát nằm ngoài quy hoạch đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho địa phương trong công quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường, đảm bảo các yếu tố bền vững.
Thời gian đầu, địa phương còn lúng túng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý các điều kiện nuôi. Cùng với đó, người dân chưa coi trọng việc nuôi tôm siêu thâm canh gắn với đảm bảo môi trường, còn phổ biến tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý từ ao nuôi tôm ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình này, UBND huyện đã kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục bằng nhiều giải pháp tích cực. Trước mắt, huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, quy định của UBND tỉnh về phát triển nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình xử lý nước thải, chất thải trong quá trình nuôi tôm.
”Chủ tịch UBND các xã phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu như để xảy ra tình trạng nuôi tôm gây ô nhiễm trên địa bàn do mình quản lý. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra đầu ra của nước thải, nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì sẽ xử lý về mặt hành chính. Biện pháp mạnh nhất đó là ngừng cung cấp điện, nếu không có điện thì người dân không thể nuôi tôm được ”. Ông Thuần nói.
Đề án ”Nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; trong đó, có đề cập giải pháp hạn chế việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian tới, chính quyền các địa phương chủ động thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm vững các quy định của nhà nước về nuôi tôm siêu thâm canh, đảm bảo an toàn về điện, xử lý nước thải, chất thải. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ loại hình nuôi này, từ khâu cải tạo ao nuôi, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.
Đối với các hộ dân nuôi tôm tự phát hoặc không tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường thì yêu cầu khắc phục trong thời gian nhất định. Nếu xét thấy, hộ dân nào không có đáp ứng đủ các điều kiện, quy định nuôi tôm siêu thâm canh thì chính quyền địa phương phải kiên trì vận động, thuyết phục người dân tự giác chuyển sang loại hình nuôi khác phù hợp hơn.
Về giải pháp lâu dài, Cà Mau tiếp tục quan tâm rà soát việc quy hoạch các vùng nuôi tập trung, quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung, đầu tư phát triển toàn diện hệ thống lưới điện, hạ tầng giao thông, thủy lợi…, đáp ứng yêu cầu nuôi tôm theo hướng bền vững. Cùng với đó, tỉnh Cà Mau định hướng phát triển loại hình nuôi tôm siêu thâm canh đến năm 2020 đạt diện tích khoảng 1.000 ha, đến năm 2030 đạt diện tích khoảng 2.000 ha.
Để biến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD trở thành hiện thực vào năm 2021, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao, nhưng phải tuân thủ tốt việc bảo vệ môi trường. Hướng đi này đang mở ra cho người dân Cà Mau hướng sản xuất mới bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan./.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam