Nuôi Tôm theo hướng VietGAP để đảm bảo an toàn

Tuesday,
13/02/2018
0

Trong những năm qua, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng phối hợp các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát và chọn Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản ấp Nhà Thờ (huyện Trần Đề), Tổ hợp tác Toàn Thắng (thị xã Vĩnh Châu) và HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A (huyện Mỹ Xuyên) để thực hiện mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, đồng thời kết hợp với dự án CRSD tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học.


Thời gian gần đây, vấn đề lo lắng nhất của người nuôi Tôm chính là làm sao giảm được dịch bệnh. Các nghiên cứu đánh giá tác động của nghề nuôi trồng thủy sản đến môi trường xung quanh và của môi trường tác động đến nghề nuôi thủy sản đang rất được quan tâm. Vì cùng với sự gia tăng về diện tích nuôi Tôm nước lợ thì môi trường càng bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh xảy ra nhiều hơn. Ông Diệp Thành Nhơn – hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề cho biết: “Bà con nuôi Tôm luôn xác định trong quá trình nuôi ít nhiều cũng có dịch bệnh xảy ra, nên bà con luôn tuân thủ theo lịch thời vụ, thường xuyên theo dõi độ mặn, vệ sinh môi trường… phải quản lý cho tốt để hạn chế thiệt hại”.

Thực tế qua thời gian áp dụng, tại các tổ chức được hỗ trợ áp dụng mô hình VietGAP, đã từng bước thấy rõ hiệu quả, trước nhất là kiểm soát an toàn môi trường ao nuôi Tôm, từ đó hạn chế rõ rệt tỉ lệ Tôm nuôi bị thiệt hại. Ông Ngô Công Luận – Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Nuôi theo mô hình VietGAP có những thuận lợi như cắt được mầm bệnh, dịch bệnh trên Tôm được kiểm soát, môi trường nuôi an toàn. Tăng cường sử dụng vi sinh trong quá trình nuôi để hạn chế lượng kháng sinh, hóa chất trong ao, giảm chi phí trong quá trình nuôi. Vụ nuôi năm rồi tôi áp dụng mô hình VietGAP rất thành công”.

Theo thạc sĩ Phan Bạch Vân – Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng: “Về nuôi Tôm theo mô hình VietGAP, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tổng kết, rút kinh nghiệm những mô hình nuôi thí điểm để rà soát những tiêu chí mà khả năng người dân thực hiện được và những tiêu chí nào cần có sự hỗ trợ của Nhà nước”.


Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người nuôi tôm cách xử lý nước trong ao nuôi

 

Bên cạnh đó, khi người nuôi Tôm thực hiện đúng các quy trình VietGAP sẽ tiết kiệm được thời gian, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí thức ăn và tăng tỉ lệ Tôm sống, tăng hiệu quả sản xuất, tăng độ an toàn thực phẩm. Đối với doanh nghiêp, khi thu mua Tôm nuôi theo VietGAP, sẽ có được sản phẩm an toàn, giảm chi phí kiểm dịch, vừa đảm bảo uy tín doanh nghiệp. Đối với người tiêu dùng, sẽ không phải lo lắng về an toàn thực phẩm, được sử dụng sản phẩm với giá thành hợp lý. Do đó, tuy việc nhân rộng mô hình này còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát triển nuôi Tôm theo VietGAP sẽ trở thành xu hướng chung mà nông dân nên nghĩ đến và làm theo, để phát triển ngành nghề nuôi thủy sản theo hướng lâu dài./.



Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: