Huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang áp dụng thành công mô hình nuôi tôm sú xen canh tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm nay nông dân huyện Vĩnh Thuận phấn khởi với vụ tôm trúng mùa- được giá
Nhằm chuẩn bị cho vụ tôm năm 2020, mới đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận tổ chức tọa đàm sản xuất vụ tôm năm 2020 với sự tham gia của 60 nông dân huyện Vĩnh Thuận - một trong những địa phương nuôi tôm càng xanh lớn nhất nhì bán đảo Cà Mau.
Đánh thức tiềm năng vùng nước lợ
Hơn 10 năm trước, cuộc sống của người dân Vĩnh Thuận chủ yếu bám vào cây dừa nước mọc tự nhiên ven sông rạch, làm thuê làm mướn hoặc đánh bắt cá tôm. Vì thế, nhà nào đủ ăn đã là may lắm, nói gì đến tỷ phú này, triệu phú kia. Lúc đó, phong trào nuôi tôm sú, tôm càng xanh bên mạn Cà Mau, Bạc Liêu (gần huyện Vĩnh Thuận) nở rộ khắp nơi, nhiều người đổi đời chỉ sau mấy vụ tôm nên đã thôi thúc một số hộ nông dân Vĩnh Thuận đến học hỏi, rồi dần chuyển đổi những cánh đồng ngập mặn thành đầm nuôi tôm sú, tôm càng xanh.
Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật, lại quá vội vàng, các đầm tôm cho hiệu quả rất thấp, thậm chí lỗ vốn. Để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả của con tôm, lúc đó HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ (xã Vĩnh Phong) đã chủ động tìm gặp kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông nhằm tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, sau đó cùng các hộ nuôi tôm tiến hành xử lý ao nuôi bằng vôi để rửa phèn, điều tiết độ mặn… Sau một thời gian, những cánh đồng ngập mặn cỏ mọc um tùm đã biến thành những vuông nuôi tôm quy mô, tôm nhảy tanh tách mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Dậu - Giám đốc HTX Căn Cứ, cho biết: “Vĩnh Thuận hiện có khoảng 23.000ha đất luân canh lúa - tôm, trong đó khoảng 80% diện tích nuôi xen canh tôm thẻ với tôm càng xanh. Sản lượng tôm bình quân hàng năm đạt từ 13.000 - 15.000 tấn”.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận - ông Võ Hoàng Nguyên khẳng định: “Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Thuận cũng đã xác định và đi đúng hướng theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó huyện đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình đất lúa 2 vụ kém hiệu quả và một số diện tích cây trồng khác sang nuôi 1 vụ tôm - 1 vụ lúa. Mặc dù những tháng đầu năm 2019 bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết bởi nắng nóng, khiến 100ha bị thiệt hại, song nhờ bà con sớm khắc phục và thả nuôi theo đúng lịch thời vụ nên con tôm vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Theo Phòng NNPTNT huyện, trung bình mỗi ha nuôi tôm cho thu hoạch hơn 550kg, tăng hơn 50kg so với năm trước. Đặc biệt, bà con nông dân ở các xã Bình Minh, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc và thị trấn Vĩnh Thuận hiện đang áp dụng mô hình nuôi kết hợp tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng với tôm càng xanh cho năng suất cao vượt trội. Thậm chí nhiều hộ có năng suất thu hoạch hơn 1 tấn/ha.
Không chỉ tôm nuôi đạt năng suất cao, bà con rất phấn khởi vì giá tôm đang tăng cao. “So với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm thẻ đang tăng khoảng 20.000 đồng/kg. Tôm sú và tôm càng thì ổn định. Riêng tôm càng loại từ 10 - 15 con/kg đang dao động từ 145.000 – 150.000 đồng/kg nên ai cũng phấn khởi” - ông Danh Mót ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, chia sẻ.
Tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi
Năm 2020, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi 85.000 tấn, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản, với tổng diện tích nuôi tôm khoảng 120.000ha.
Theo đó, Sở NNPTNT Kiên Giang đã xây dựng khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ thích hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là cơ cấu mùa vụ thả giống sản xuất tôm sú - lúa vùng U Minh Thượng; nuôi tôm sú khu vực ven sông Cái Lớn thuộc vùng Tây sông Hậu, vùng ven biển Hòn Đất - Kiên Lương - Hà Tiên - Giang Thành; nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp; nuôi quảng canh cải tiến, tôm - rừng; nuôi tôm càng xanh xen lúa… Nông dân được khuyến cáo khung lịch thời vụ thả tôm giống nuôi tập trung từ tháng 1 đến tháng 3, thu hoạch dứt điểm tháng 8, rửa mặn sạ lúa trong tháng 9.
Với hiệu quả từ mô hình nuôi 1 vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với 1 vụ lúa huyện Vĩnh Thuận đã quy hoạch mô hình này ở các xã nằm ven sông Cái Lớn, với tổng diện tích gần 10.000ha.
Nông dân gọi đây là mô hình “tôm xen tôm” vì tôm càng xanh từ thả nuôi đến thu hoạch là 6 tháng. Trong khi đợi thu hoạch, nông dân thả xen vào tôm thẻ chân trắng, loại này chỉ 3 tháng cho thu hoạch. Như vậy, trên cùng diện tích, nông dân thu hoạch 3 lần tôm trong 6 tháng. Theo tính toán và thu hoạch thực tế của nông dân, 1ha nuôi theo mô hình “tôm xen tôm” sẽ cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng phối hợp với các tỉnh sản xuất tôm giống giám sát chặt chẽ chất lượng con giống nhập về; thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động sản xuất; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Hướng dẫn người dân đăng ký nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng để được cấp mã số cơ sở nuôi theo quy định. Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Nguồn: Dân Việt