Tổng cục Thủy sản đã có công văn về việc thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2016; trong đó, yêu cầu nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ, thả tôm đúng mật độ phù hợp theo từng hình thức nuôi và cần thả giống vụ mới theo hướng thăm dò để theo dõi dịch bệnh, môi trường.
Đối phó mầm dịch bệnh
2015 là năm khó khăn với ngành tôm, khi dịch bệnh hoành hành và tôm giảm giá, tiêu thụ kém. Bởi vậy, tâm lý người nuôi tôm năm 2016 nổi bật hai khuynh hướng, hoặc nuôi cầm chừng chờ thời cơ hoặc muốn thả tôm ồ ạt để bù đắp thiệt hại của năm ngoái khi có thông tin thời tiết bất thường khiến tôm nhiều nước sản lượng thấp.
Song, theo tính toán, trước hết người nông dân phải giảm được dịch bệnh, phòng ngừa được dịch bệnh từ đầu vụ. Đây mới là yếu tố then chốt giảm giá thành cho tôm Việt.
Đơn cử, năm 2015 nghề nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng chịu mức thiệt hại luôn ở khoảng 25 - 28% theo từng thời điểm thả giống, thậm chí mức độ thiệt hại cục bộ ở một số vùng nuôi vẫn trên 50%, như thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
Tôm thả đầu vụ chết nhiều, theo ngành khuyến nông thì chủ yếu do môi trường xấu, người nuôi quản lý ao chưa tốt, ít sử dụng ao lắng, sử dụng nhiều kháng sinh. Nếu không khắc phục được, khả năng tôm chết sau khi thả sẽ tái diễn. Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng khuyến cáo người dân sử dụng ao lắng để xử lý nước, thả cá rô phi để làm sạch tạp chất xử lý môi trường nước…
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo tẩy dọn ao nuôi sạch, tiêu diệt triệt để mầm bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác. Ngay từ đầu vụ, các hộ nuôi cần sử dụng ao chứa lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; các ao nuôi thâm canh, ao lót bạt phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước cấp vào và lượng nước thải ra khỏi ao phải được xử lý đạt yêu cầu trước khi nuôi và thải ra môi trường ngoài.
Nhiều địa phương đã bắt đầu thả giống cho vụ nuôi mới - Ảnh: Phan Thanh Cường
Nín thở với thời tiết
Nhiều ý kiến tổng kết cho rằng việc thả giống vào thời điểm dịch bệnh dễ lan rộng cũng là lý do khiến bệnh trên tôm phát triển trong năm ngoái. Bệnh đốm trắng, đỏ thân là ví dụ.
Tổng cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả giống từ tháng 1 đến tháng 9 và từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2016. Nuôi quảng canh cải tiến chuyên tôm thả giống từ tháng 2 đến tháng 10/2016; đối với người nuôi tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016 và từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2016. Các tháng 3,4,5/2016 tại các địa phương có nắng, nóng, xâm nhập mặn không thả giống. Các cơ sở đủ điều kiện điều tiết độ mặn, nhiệt độ có thể thả nuôi.
Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã thông báo khung mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ và nhuyễn thể năm 2016; dựa trên cơ sở nhận định xu thế khí tượng - thủy văn đông xuân 2015 - 2016 và đặc điểm sinh thái từng vùng nuôi trong tỉnh. Chẳng hạn, tôm sú nuôi quảng canh cải tiến kết hợp: Vùng Nam Quốc lộ 1A thả giống tôm từ tháng 11/2015 đến 8/2016, nuôi tại các huyện Đông Hải, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TP Bạc Liêu; Vùng Bắc Quốc lộ 1A, thả giống tôm từ tháng 12/2015 đến 8/2016, nuôi tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Tỉnh cũng khuyến cáo nông dân về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khoảng từ tháng 3 đến 5/2016, thời tiết sẽ có diễn biến bất lợi đối với tôm nuôi trong tỉnh.
Tỉnh Tiền Giang khuyến kích người nuôi TTCT thâm canh, thả giống từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 6 đến tháng 12 (Dương lịch). Thời điểm chuyển mùa vào các tháng 4 và 5, do nắng nóng dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy trên TTCT; do đó không thả tôm giống, trừ các cơ sở tốt về cơ sở vật chất, có kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm.
Mật độ thả nuôi
Một vấn đề tranh cãi lâu nay là mật độ thả nuôi. Nhiều người cho rằng nên thả nhiều trừ hao hụt; một số ý kiến cho thả nhiều tôm chết dễ gây dịch bệnh. Đa số người dân có kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu, quản lý đều cho rằng mật độ thả nuôi hiện nay quá cao so với khả năng chăm sóc và quản lý. Nuôi tôm size nhỏ cũng nhiều rủi ro.
Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng, với tôm sú số vụ nuôi là 1 vụ/năm, bắt đầu thả giống từ 22/2/2016, kết thúc thu hoạch ngày 31/7/2016. Mật độ thả giống với nuôi đơn 15 - 25 con/m2cỡ PL15 trở lên, đối với nuôi ghép tôm và cá: tôm 7 con/m2 cỡ PL15, cá 0,5 con/m2.
Với tôm sú nuôi quảng canh, tỉnh Tiền Giang khuyến cáo mật độ nuôi 1 - 3 con/m2. Tính trong thời điểm đầu năm, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong toàn tỉnh Tiền Giang 19,5 ha (chiếm 1% diện tích thả nuôi tôm), trong đó tôm chết có biểu hiện bệnh đốm trắng chiếm 70% diện tích tôm bệnh. Những dấu hiệu này cho thấy dịch bệnh còn tiềm ẩn và việc thận trọng trong thả nuôi tôm theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản là cần thiết.
>> Tổng cục Thủy sản khuyến cáo: Để đối phó thời tiết và xâm nhập mặn, các tỉnh nên đưa ra kế hoạch thả nuôi cho từng khu vực. Vì tôm nhạy cảm môi trường nên càng chi tiết khoa học trong thả nuôi sẽ càng giảm thiệt hại.
Thủy sản Việt Nam