Ồ ạt nuôi tôm: Tiềm ẩn nguy cơ thất bại

Monday,
12/02/2018
0

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho rằng, chừng nào các DN sản xuất, nuôi trồng, cung ứng nguồn nguyên liệu cũng như các DN chế biến, xuất khẩu chưa thực sự bắt tay liên kết vì mục tiêu chung và vì sự phát triển ổn định, bền vững của ngành thủy sản trong nước thì chừng đó việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, bị thương lái, đối tác nước ngoài “xé lẻ” để trục lợi sẽ vẫn còn diễn ra.

 

http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2014_08/che-bien-tom-xuat-khau_5.jpg


Ồ ạt tăng diện tích nuôi trồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tính đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trong toàn tỉnh đạt hơn 7.844 ha, tăng gần 1.900 ha so với cuối năm 2013, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2014 hơn 844 ha. Một số huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp phát triển mạnh như Ðầm Dơi 2.626 ha, Phú Tân 1.857 ha, Cái Nước 1.503 ha. Dự kiến, diện tích nuôi tôm trên địa bàn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tương tự, một số tỉnh thành khác như Trà Vinh, Bạc Liêu, Long An… cũng diễn ra tình trạng tăng nhanh diện tích nuôi trồng thủy sản một cách thiếu quy hoạch, nhất là đối với tôm sú và tôm chân trắng nguyên liệu.

Sở dĩ có hiện trạng này là bởi thời gian qua giá thu mua tôm nguyên liệu tăng cao nên nhiều cơ sở thi nhau mở rộng vùng nuôi trồng. Chủ một cơ sở nuôi tôm chân trắng tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết, giá tôm chân trắng loại 60 con/kg hiện đang có mức 116 nghìn đồng/kg, loại 70 con/kg giá 112 nghìn đồng/kg, loại 90 con/kg giá 100 - 104 nghìn đồng/kg… Các mức giá này tăng bình quân 10 - 20 nghìn đồng/kg so đầu tháng 6/2014. Ngay cả đối với tôm sú giá cũng đã tăng trở lại, trung bình loại 20 con/kg giá 260 - 270 nghìn đồng/kg.

Giá tôm nguyên liệu tăng là điều đáng mừng đối với người nuôi trồng thủy sản trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng tăng diện tích nuôi trồng tự phát, không theo đúng quy hoạch đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Nhất là khi việc xuất khẩu tôm nguyên liệu đang gia tăng nhanh và tập trung nhiều vào thị trường Trung Quốc vốn được coi là khá dễ tính. Điều này đang khiến người nuôi trồng trong nước có tâm lý chủ quan.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều năm qua, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn do vị trí địa lý thông thương thuận lợi, cũng như nhu cầu tiêu dùng tại quốc gia này ngày một tăng. Trong 5 năm qua, tăng trưởng nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc liên tục đạt trên hai con số và là thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 quốc gia có mức tăng dẫn đầu. Đến nay, Trung Quốc đã là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ, EU và Nhật Bản.

Riêng đối với mặt hàng tôm nguyên liệu của Việt Nam xuất sang quốc gia này chiếm tỷ trọng đến 67% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, VASEP cũng cảnh báo các DN trong nước hết sức cẩn trọng bởi bài học thu mua nguyên liệu ồ ạt của thương lái Trung Quốc vừa qua vẫn luôn đắt giá, không chỉ với người nuôi trồng mà ngay cả với DN thu mua, sản xuất, chế biến trong nước cũng cần lấy đó để có kế hoạch và tầm nhìn chiến lược hơn nhằm hạn chế rủi ro khi làm ăn với đối tác này.

Cẩn trọng để tránh thua thiệt

Thực tế, nhiều bài học với ngành tôm vẫn còn nguyên giá trị. Bởi ngay chính tại thời điểm hiện nay, một số DN, cơ sở nuôi trồng cung cấp tôm nguyên liệu trong nước vẫn còn “mắc lỡm” với thương lái Trung Quốc vì tâm lý chủ quan, hợp đồng lỏng lẻo. Giám đốc một DN tư nhân tại Cà Mau cho biết, hồi đầu năm DN tưởng trúng được đơn hàng cung cấp tôm nguyên liệu với khối lượng lớn cho một bạn hàng Trung Quốc. Công ty đã dốc toàn lực, cộng thêm nguồn vốn đi vay của ngân hàng để đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm, nhưng đến cận ngày giao hàng đối tác Trung Quốc đã tìm cách thoái thác, “xù” hợp đồng khiến DN không biết xoay xở ra sao.

Đang trong lúc khó khăn, nợ đến ngày phải trả thì lại có một đối tác khác đặt vấn đề sẽ mua lại toàn bộ số tôm nguyên liệu đang dồn ứ kia, tất nhiên với mức giá thấp hơn so với mức giá đối tác Trung Quốc đã thỏa thuận, đồng ý mua lúc đầu. Mặc dù biết là thua thiệt nhưng DN vẫn phải chấp nhận bán tháo để thu hồi vốn vì tôm đã đến kỳ thu hoạch. Sau này DN tìm hiểu ra mới biết, đối tác Trung Quốc và bên hỏi mua thực chất cũng chỉ là một đầu mối, cùng dùng chiêu ép giá DN trong nước nhằm thu mua với mức giá thấp hơn mặt bằng giá chung trên thị trường.

Trường hợp của DN nêu trên không phải là cá biệt mà diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Do tâm lý nhiều DN trong nước nói ra sợ mất uy tín, lại thêm khoản vay với ngân hàng hối thúc phải trả nên đành im lặng tự tìm cách xoay xở. Đồng thời, chính cách đầu tư nuôi trồng ồ ạt theo tâm lý đám đông, thấy được giá, nhiều khách hỏi mua là người dân tập trung dồn sức vào nuôi khiến nguồn cung dư thừa, đẩy giá xuống thấp. Hệ lụy tiếp theo là không ít DN chế biến thủy sản xuất khẩu thấy giá nguyên liệu dồi dào, mức giá giảm cũng tranh nhau mua vào dự trữ. Sau đó đồng loạt chế biến xuất đi thị trường nước ngoài, cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá, tiếp tục gây sức ép lên người nuôi trồng để mua được nguyên liệu rẻ…

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho rằng, chừng nào các DN sản xuất, nuôi trồng, cung ứng nguồn nguyên liệu cũng như các DN chế biến, xuất khẩu chưa thực sự bắt tay liên kết vì mục tiêu chung và vì sự phát triển ổn định, bền vững của ngành thủy sản trong nước thì chừng đó việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, bị thương lái, đối tác nước ngoài “xé lẻ” để trục lợi sẽ vẫn còn diễn ra.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, bản thân mỗi cơ sở, DN cung ứng nguyên liệu cần tuân thủ tốt chính sách của Nhà nước về quy hoạch phát triển để tránh đầu tư nuôi trồng ồ ạt. Theo đó, liên kết chặt chẽ với các nhà máy chế biến trong nước để có đầu ra ổn định cũng như giữ được giá bán; tránh bị các thương lái Trung Quốc đến thu mua tận gốc nhưng thực tế lại rất bấp bênh, được chăng hay chớ như những mùa vụ trước đã từng diễn ra.


Thời báo Ngân hàng


 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: