Ông Ba Bừng kể chuyện cây lúa con tôm

Thursday,
21/11/2019
0

Thấy mô hình trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm rất hiệu quả từ các địa phương khác đặc biệt là con tôm, ông Lâm Thanh Bừng, ấp Cái Ngang, xã Định Bình, TP Cà Mau đã áp dụng trên diện tích trồng lúa của gia đình; nhưng có nhiều cải tiến về kỹ thuật để vừa trúng tôm lại thu được lúa, giúp cải thiện kinh tế gia đình.

Khắc phục bất lợi

Tiếng xe máy cành cạch lớn dần rồi bỗng tắt đi, tôi đưa mắt nhìn ra con lộ bê tông trước nhà ông Lâm Thanh Bừng (khoảng 60 tuổi), thường được người dân trong ấp gọi là “Ba Bừng”, đưa cánh tay che nắng đưa ánh mắt nhìn chăm chăm ruộng lúa của ông. Ông Ba nói: “Ai đi qua đây cũng vậy hết, những người quen thì chỉ ngoái nhìn còn những người chưa thấy lần nào thì tắt máy, dừng hẳn và chụp hình, quay phim lại một lát sau mới rời đi”. Người đàn ông đó chính là ông Trần Hoàng Bé, Chi hội trưởng, Hội Cựu chiến binh ấp Cái Ngang, mặc dù không phải ruộng lúa của mình nhưng ông Bé không giấu được niềm vui. Ông cho biết: “Hồi mới sạ có đi ngang, hôm nay mới đi lại thấy đã quá trời, lúa này có ăn là chắc rồi đó, nhưng hổng biết có giữ mặn nổi không chứ mấy ngày nay triều cường dâng cao dữ quá”.

Chia sẻ về mô hình của mình, ông Ba Bừng bộc bạch, thấy mô hình trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm rất hiệu quả từ các huyện khác đặc biệt là con tôm; từ đó ông quyết tâm làm lúa từ 5 - 6 năm nay nhưng chưa năm nào lúa trổ, chưa năm nào có lúa ăn. Mặc dù, việc gia cố bờ vuông bằng san cuốc đến cải tạo mặn, phơi đầm, bón vôi hạ phèn, chọn giống lúa từ trung tâm giống nông nghiệp thích hợp cho vụ lúa trên đất nuôi tôm…; tất cả điều đúng quy trình canh tác lúa - tôm mà ngành chuyên môn khuyến cáo. Sau 1 tháng, lúa phát triển rất tốt, nhưng đến tháng gió chướng về, nước mặn lên và tràn bờ. “Dù có ra sức bảo vệ cũng đành bó tay, chứng kiến ruộng lúa xanh tốt lụi dần theo năm tháng, thấy tiếc lắm… Phải chi anh em giáp ranh cùng làm, cùng chung sức gia cố bờ bao vuông tôm thì có lẽ cơ hội cho ruộng lúa trổ bông, có lúa ăn là cao lắm” - ông Ba Bừng ngậm ngùi.

Ông Lâm Thanh Bừng chăm sóc ruộng lúa đến nay hơn một tháng tuổi, phát triển tốt - Ảnh: Hoàng Diệu

Tất cả người dân trong xã biết, nước mặn từ tuyến sông Cái Su - Gành Hào mang vào mỗi mùa nước nên không thể tránh khỏi sự xâm nhập mặn, đồng nghĩa với cơ hội trồng cây lúa trên vuông tôm khó thành hiện thực. Đó cũng là lý do cây lúa vắng bóng trên đồng đất nơi đây từ khi chuyển dịch trồng lúa sang nuôi tôm 19 năm qua.

Tuy cây lúa có nhiều bất lợi như vậy, nhưng theo chia sẻ của ông Ba Bừng, con tôm lại rất “ngon”. “Từ 5 năm trước sạ liền cho đến nay, năm nào cũng sạ lúa tôm không hề quậy, bằng chứng là nhiều năm liền cùng bắt một lô tôm chia làm 2 miếng, miếng có sạ lúa 1,5 ha, miếng còn lại 5 công tầm lớn, năm nào miếng không sạ lúa đều có tôm quậy, năng suất chẳng được bao nhiêu, vậy là rõ rồi, khi có cây lúa môi trường đã được cải tạo, phù hợp để tôm phát triển” - ông Ba Bừng khẳng định.

 

Nuôi tôm an toàn, hiệu quả

Sạ lúa, lúa lên, đó là cách làm không còn bàn cãi đối với kinh nghiệm của ông Ba Bừng nữa, nhưng cái mà ông trăn trở nhất vẫn là kinh nghiệm đối phó với nước mặn dâng tràn bờ. Ông Ba Bừng kể: “Một ngày ông anh liền kề không giữ được nước do triều cường những tháng 9 - 10 lên, vừa bể bờ, tràn cống, chỉ một đêm nước trong vuông đã mênh mông hết luôn. Thấy vậy, tôi mới cho nước vào vuông để nuôi tôm luôn. Chỉ sau một tháng của con nước sau, tôi đặt lú thu hoạch được khoảng 3,5 triệu đồng, tiếp con nước kế tôm lại cho thu”. 

Cán bộ khuyến ngư xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tôm, lúa cho ông Lâm Thanh Bừng tại đồng ruộng

Theo ông Ba Bừng, vào mỗi tháng 2 con nước chỉ nghĩ đặt lú có 4 - 5 ngày, tháng cao điểm trúng tôm khi trừ đi chi phí ăn uống, con giống cũng còn dư trên 20 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình sạ lúa thì trúng tôm, đặc biệt hầm gièo tôm 1.000 m2 của ông vẫn sạ lúa xanh tốt, cứ từ 1,5 - 2 tháng ông thả 40.000 - 50.000 con tôm giống, gièo lại từ 15 ngày rồi cho ra vuông nuôi. Với cách làm trên, không những tôm không bị bệnh mà còn mau lớn do mỗi năm đất đều được phơi nứt chân chim, được mặt trời diệt khuẩn và đất được màu mỡ hơn, từ đó cho năng suất tôm cao, thu nhập luôn ổn định hơn 5 năm qua. Chưa kể nguồn thu từ cua và các loại cá rô phi, cá đối có từ vuông tôm trên.

 Phó Chủ tịch UBND xã Định Bình, Lâm Hữu Hiệp cho biết: “Năm 2020, trên tinh thần xã sẽ giao cho 9 ấp vận động người dân thực hiện cách làm mô hình này mỗi ấp 9 ha. Đồng thời, để hỗ trợ ngăn mặn do triều cường xã đề nghị thành phố, tỉnh đẩy nhanh tiến độ khép kín tiểu vùng 7 (gồm các tuyến kênh sáng Cà Mau - Bạc Liêu, Hà Tân, Hòa Thành…); giúp vụ lúa của bà con trong xã sẽ đạt hiệu quả và tạo đà cho thu nhập từ con tôm tốt hơn”. 

 >> Tín hiệu đáng mừng và đặt niềm tin vào vụ tôm thắng lợi khi năm 2018 chỉ có một mình hộ ông Ba Bừng làm vụ lúa trên đất nuôi tôm thì năm nay có 10 hộ làm theo tại các ấp của xã Định Bình, đến nay lúa đang phát triển tốt. Đây sẽ là bước đệm để Định Bình hoàn thành bộ tiêu chí nâng cao của xã hậu đạt chuẩn nông thôn mới. 

Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: