Trong khi nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn về con tôm công nghiệp thì huyện Phú Tân lại có nhiều chuyển biến tích cực cả về diện tích lẫn năng suất, hiệu quả mô hình này.
Sự khác biệt ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự vào cuộc chỉ đạo của chính quyền địa phương và bản thân người nuôi tôm.
Diện tích nuôi tôm công nghiệp được xem là chỉ tiêu đầu tiên trong năm khó đạt theo kế hoạch đã đề ra. Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh tăng 255 ha, bằng 25% kế hoạch, riêng Phú Tân tăng 144 ha, chiếm hơn một nửa.
Cùng vào cuộc quyết liệt
Hiện nay đã bước và mùa mưa nên việc tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp là gần như không thể. Điều đó cho thấy chỉ tiêu đầu tiên không đạt kế hoạch đã đề ra. Trong khi nhiều địa phương gặp khó khăn thì tình hình nuôi tôm công nghiệp của huyện Phú Tân lại có nhiều khả quan hơn, nếu không muốn nói là đang trên đà đi lên.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà nông dân Phú Tân giảm được rủi ro, đạt hiệu quả cao trong quá trình nuôi tôm công nghiệp.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nhận định, không chỉ diện tích tăng mà năng suất và hiệu quả cũng tăng cao. Qua theo dõi thảo luận trong ngành cho thấy, huyện Phú Tân đã làm được nhiều vấn đề cần được học tập rút kinh nghiệm.
Trước hết chính là sự vào cuộc chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo huyện. Sự chỉ đạo sát sao từ huyện đến xã và có sự tham mưu hiệu quả của các phòng chuyên môn, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật đã tạo sự chuyển biến tích cực cho huyện.
Để đạt được những kết quả khả quan ấy, ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, chia sẻ, trong quá trình chỉ đạo phát triển nuôi tôm công nghiệp, huyện vận động bà con tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật của Bộ nn&ptnt.
Từ khâu cải tạo ao đầm, lịch thời vụ, chọn giống cho đến chăm sóc… đều được bà con thực hiện nghiêm ngặt.
Không chỉ có tôm công nghiệp mà mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng mang lại nhiều kết quả khả quan. Huyện phấn đấu đến cuối năm đạt 8.000 ha tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến.
Không chỉ có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, ông Sử còn cho rằng, ngoài yếu tố tự nhiên và môi trường thuận lợi, bản thân người nông dân cũng góp phần vào sự thành công hiện nay của huyện.
Nông dân Phú Tân có đặc điểm là không nôn nóng về mùa vụ. Trong khi ở nơi khác, bà con trúng hay thất đều nôn nóng thả các vụ tiếp theo. Người dân Phú Tân rất cẩn trọng và bình tĩnh tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật và sự hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Lấy ưu thế bù hạn chế
Ông Sử nhận định, nuôi tôm quảng canh cải tiến là loại hình nuôi năng suất ổn định, dịch bệnh lại không phát sinh nhiều. Do đó, đây là loại hình cần tập trung mở rộng vào cuối năm. Một thuận lợi là hiện nay chỉ mới vào vụ đầu, mô hình tôm quảng canh cải tiến còn thêm vụ hai, mà vụ hai thường có diện tích tăng nhanh.
Do đó, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo tốt việc tổ chức sản xuất tôm quảng canh cải tiến để bù đắp khoảng thiếu hụt từ tôm công nghiệp do dịch bệnh và không đạt diện tích.
Ông Sử cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm công nghiệp gặp khó khăn, trong đó có nguyên nhân dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2012, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cũng chỉ thiệt hại khoảng 498 ha, trong khi 5 tháng đầu năm 2013 đã có 544 ha tôm công nghiệp bị thiệt hại, nhiều hơn cả năm 2102.
Ngoài ra, năm 2013 khả năng tái đầu tư của nông dân giảm thấp do hậu quả tôm chết năm 2012 và những năm trước để lại. Việc thực hiện hướng dẫn của Trung ương về biện pháp khắc phục đối với dịch bệnh, đặc biệt là gan tuỵ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay đã bước vào mùa mưa, việc phát triển thêm diện tích tôm công nghiệp là gần như không còn. Việc xây dựng kế hoạch, cơ sở cũng như điều chỉnh cơ chế chính sách theo quyết định cho các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung là không kịp.
Thế nhưng, việc chỉ đạo phát triển các vùng tôm công nghiệp tập trung cần được chú trọng hơn. Đặc biệt là huyện Đầm Dơi và TP Cà Mau đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung. Bởi vì, nếu không chỉ đạo ngay từ bây giờ thì sang năm 2014 vẫn sẽ không có vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, ông Sử cho biết thêm.
Về công tác chỉ đạo sản xuất tôm nuôi từ đây đến cuối năm, ông Giang cho biết, huyện đang chỉ đạo quyết liệt các xã có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến để tăng nhanh sản lượng tôm vào những tháng cuối năm.
Ngoài ra, hiện nay huyện cũng đã xây dựng xong đề án phát triển tôm công nghiệp vào năm 2014. Tuy nhiên, giá thuốc và vật tư nông nghiệp tăng nhiều nhưng chất lượng lại không bảo đảm là một trở ngại lớn hiện nay.
Thời gian qua lại xuất hiện nhiều đối tượng đến địa phương quảng cáo nhiều loại phân thuốc và thức ăn nhưng không biết chất lượng thế nào, mong rằng các ngành chức năng cần kiểm tra quyết liệt hơn nữa chất lượng tôm giống và thức ăn tôm… để giảm thiệt hại cho người nuôi tôm
Theo Báo Cà Mau