Quản lý ao nuôi trong quá trình tôm lột xác

Tuesday,
03/09/2019
0

Trong nuôi tôm, việc tôm lột xác đồng đều là điều mà người nuôi nào cũng mong muốn. Nhưng, để làm được điều đó, chúng ta cần nắm vững các kiến thức về dinh dưỡng, môi trường, cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi.

Khi tôm lột xác nó sẽ loại bỏ lớp vỏ cũ và hình thành một vỏ mới, đó không chỉ đơn thuần là quá trình tăng trưởng về kích thước và trọng lượng mà còn giúp tôm loại bỏ các mảng bám, làm lành các vết thương trên râu, chân bơi, chân bò, đuôi và làm mới cả lớp trong của dạ dày để biến nó trở thành sạch khuẩn hơn. Lột xác ở tôm là một quá trình diễn ra theo chu kỳ và được lặp đi lặp lại trong suốt vòng đời của chúng. Đó là một phần chọn lọc tự nhiên, để chọn ra con tôm tốt nhất và loại bỏ những con tôm yếu.

Chu kỳ lột xác ở tôm nuôi trong ao

Việc biết được chu kỳ lột xác của tôm (tùy theo tuổi tôm) sẽ giúp người nuôi dự báo được trước tình hình để có những phòng bị cần thiết.

Đối với tôm giống mới thả (tôm post) thì quá trình lột xác của tôm sẽ diễn ra nhiều lần và thời gian của mỗi lần lột xác sẽ ngắn. Ngược lại, khi tôm có kích thước lớn hơn thì quá trình lột xác sẽ diễn ra ít hơn với thời gian của mỗi lần lột xác kéo dài hơn. Cụ thể:

Chu kỳ lột xác của tôm, tôm lột xác, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm, tôm thẻ                            Chu kỳ lột xác của tôm thẻ trong ao theo giai đoạn

Thời gian lột xác của tôm (lột xác đồng loạt hoặc với tỷ lệ cao) thường diễn ra vào lúc trăng tròn hoặc thủy triều cao và thường vào ban đêm vì lúc đó pH xuống thấp. Những con tôm khỏe mạnh thì quá trình lột xác chỉ kéo dài khoảng 5-7 phút. Sau khi tôm lột xác, sức khỏe của tôm còn yếu và lớp vỏ kitin chưa hoàn thiện khiến tôm rất dễ bị nguy hiểm.

Quan sát tình trạng của tôm và nước ao nuôi tôm chúng ta có thể dự đoán được thời gian tôm lột xác. Tôm trước khi lột thường có cơ thịt chắc, vỏ nhợt nhạt nhưng chắc chắn, vỏ cũng giòn hơn bình thường chứ không dai. Khi tôm lột xác nhiều, chúng ta sẽ thấy bọt nước kéo thành hàng dài khi quạt nước, nước ao cũng nhớt hơn và có nhiều váng bọt kéo sợi. Với mật độ nuôi cao, chúng ta sẽ nhìn thấy vỏ tôm mới lột trôi nổi nhiều trong ao và trong sàng ăn.

Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm

Chất khoáng và dinh dưỡng:

Vỏ tôm với hai thành phần chính: 55% khoáng vô cơ (phần lớn là Calcium và Mg với 21 loại khoáng khác) và 45% còn lại gồm kitin (hợp chất protein chitin được cấu thành từ carbohydrate và protein). Do đó, khoáng chất rất cần cho tôm trong suốt quá trình sống và phát triển. Đặc biệt, đối với tôm nuôi trong ao lượng khoáng chất không dồi dào như trong môi trường tự nhiên thì hàm lượng chất khoáng hòa tan có trong ao là yếu tố quan trọng giúp tôm lột xác đồng đều và tái tạo nhanh lớp vỏ mới. Thực tế cho thấy những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan càng cao và ngược lại.

Ngoài ra, đối với ao nuôi mật độ dày (tôm thẻ) khi tôm lột xác đồng loạt, khoáng chất trong môi trường giảm đột ngột. Nhưng khoáng chất lại là yếu tố cũng không thể thiếu ccho tảo. Vì thế, nếu ao nuôi có tảo dày, nguy cơ tảo tàn đột ngột từ 1 - 3 ngày sau khi lột đồng loạt sẽ làm môi trường nuôi trở nên xấu đi nhanh chóng và có thể làm tôm nhiễm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn và khí độc.

Vì thế, tùy thuộc vào đặc điểm từng ao chúng ta cần phải bổ sung khoáng đầy đủ trước, trong và sau khi lột xác để tôm lột nhanh chóng, cứng vỏ nhanh chóng và tránh tảo tàn.

Khoáng sử dụng trong nuôi tôm có 2 dạng. Một là khoáng đa lượng bao gồm các khoáng chất được cung cấp dưới dạng các hợp chất như  MgSO4, CaCl2, MgCl2 hoặc vôi, muối ăn.... Loại này được sử dụng để đánh trực tiếp vào nước. Loại thứ hai là khoáng vi lượng bao gồm: Fe, Mn, Cu, Zn, I, Co, Cs, Ni, Se, F, Mo, Sn, Cr, Sr, V và Si, phối trộn ở dạng bột hoặc nước dùng để trộn với thức ăn.

pH:

pH là yếu tố môi trường quan trọng khác có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quá trình lột xác. pH lớn hơn 8,3 không phải là điều kiện lý tưởng cho quá trình lột xác. pH từ 7.8 - 8.2 là điều kiện tốt nhất để kích thích tôm bước vào chu trình tăng trưởng một khi đã sẵn sàng mọi thứ. pH quá cao có thể giết chết tôm vì tính độc NH3 sẽ tăng rất cao. Vì thế, để pH ổn định bằng cách định kỳ bổ sung vôi, ổn định độ kiềm từ 100-120mg/l, duy trì độ trong của nước từ 30-40cm.

Oxy hòa tan:

Khi lột xác, tôm cần cần sử dụng hàm lượng oxy cao gấp đôi so với lúc thông thường. Do đó, khi tôm lớn chúng ta nên chạy quạt liên tục về đêm, tăng cường hệ thống quạt, sục khí để bổ sung oxy hòa tan cho tôm, kiểm tra oxy trước để đảm bảo đủ oxy cho quá trình lột. Luôn duy trì ở mức 4-6 mg/l trong suốt quá trình tôm lột xác.

Vi khuẩn gây bệnh:

Vi khuẩn gây bệnh luôn có mặt trong ao tôm cho ăn thức ăn công nghiệp. Vì phải trốn tránh kẻ thù là đồng loại mạnh khỏe khác hoặc địch hại trong ao (nếu có), những con tôm lột có thể tìm đến vùng an toàn hơn để ẩn nấp, và những vùng an toàn đó lại là nơi có nhiều vi khuẩn, chất hữu cơ và thậm chí cả khí độc. Do đó, khi tôm lột xác, vi khuẩn gây bệnh có thể tấn công ồ ạt và làm tôm lập tức nhiễm bệnh với cường độ rất cao. Nếu tôm lột xác và nhiễm khuẩn thì râu, mắt và vảy râu, vảy đuôi thường có màu đỏ sậm, tôm cũng có thể lờ đờ, ăn yếu và dễ nhiễm các bệnh khác. Cách tốt nhất hạn chế vi khuẩn gây bệnh tấn công khi tôm lột là bổ sung chế phẩm sinh học thường xuyên trong ao, lúc lột và cho ăn men tiêu hóa ngay sau khi lột.

Ngoài ra, sau khi tôm lột xác, chúng sẽ bắt đầu một quá trình tích lũy dinh dưỡng cho một chu kỳ lột xác mới. Vì vậy, trong khẩu phần ăn của tôm cần bổ sung các vitamin, protein đậm đặc, sử dụng thức ăn chất lượng sẽ giúp cơ thể tôm trở lại với điều kiện tối ưu và ngăn cản các tác động xấu đến tôm khi có sự thay đổi đột ngột của các điều kiện môi trường. Thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu pH, độ kiềm và hàm lượng khoáng. Nếu yếu tố nào không đảm bảo, phải có các bước điều chỉnh ngay lập tức.

Tóm lại, hiểu được tác động của khoáng chất, dinh dưỡng, môi trường, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi sẽ giúp người nuôi có những kiến thức căn bản để thực hành trong ao tôm của mình sao cho tôm có đầy đủ điều kiện để vượt qua giai đoạn khó khăn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, hạn chế dịch bệnh, tôm lớn nhanh để mang lại cho người nuôi những vụ mùa bội thu.

Nguồn: TTKN Quảng Trị

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: