Quản lý “đuổi” không kịp con tôm?

Friday,
09/02/2018
0

Nuôi tôm lúc trồi lúc sụt, có thắng có thua nhưng luôn là nghề hấp dẫn, vì lợi nhuận nó mang lại lớn và nhanh gỡ lỗ. Chính bởi điều này nên diện tích nuôi tôm hiện nay tại các địa phương liên tục gia tăng, bất chấp qui hoạch và cảnh báo của nhà quản lý.

Tôm thẻ chân trắng “phong tỏa”


Từ TP Cà Mau về các huyện ven biển Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời, Đầm Dơi..., ao nuôi tôm công nghiệp nối tiếp, tiếng quạt nước, đèn điện sáng rực vào ban đêm. Men theo vùng đất ven sông Ông Đốc (Trần Văn Thời), Bảy Háp (Phú Tân), Mương Điều (Đầm Dơi)..., rất dễ nhìn thấy xáng cạp phá vườn tạp, đào ao nuôi tôm.

Ông Cao Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lợi An (Trần Văn Thời) cho biết, xã Lợi An được qui hoạch vùng nuôi tôm tập trung nhưng đã vượt quy hoạch. Khoảng 3 năm lại đây, người nuôi tôm nhiều, phần lớn nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Ấp Công Nghiệp, xã Lợi An (Trần Văn Thời) có 36 hộ nuôi tôm công nghiệp, mỗi hộ thả nuôi 2-3 ao, với khoảng 40 ha. Ông Nguyễn Việt Khái, Trưởng ấp Công Nghiệp, nói: “Ấp Công Nghiệp được phép qui hoạch nuôi tôm công nghiệp 50 ha đến năm 2015 nhưng nay đã vượt xa rồi. Hiệu quả kinh tế nuôi TTCT rất cao nên người nuôi mở rộng diện tích là vườn tạp, đất ven sông để thả nuôi”.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-con-tom-776-.jpg

Diện tích nuôi tôm thẻ đang lấn át tôm sú - Ảnh: Thanh Ngân
 

Sau một vài năm nuôi tôm công nghiệp trầy trật, người nuôi tôm Phú Tân liên tục trúng mùa. Ông Huỳnh Minh Luân, ở khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân) là một trong những người nuôi tôm công nghiệp trúng mùa. Từ 3 ao nuôi tôm nhỏ vào năm 2000, nay ông đã có 15 ao với tổng diện tích khoảng 10 ha.

“Người nuôi tôm trúng ở Phú Tân đếm không xuể, mới nuôi vụ đầu đã trúng, không phải nuôi lâu mới trúng. Thực ra, nuôi TTCT trúng mùa không bằng trúng giá. Giá tôm nguyên liệu đang tăng cao, loại 40 con/kg gần 200.000đồng/kg, loại 30 con/kg gần 190.000đồng/kg”.

 

Nỗi lo giá, điện

Trưởng ấp Công Nghiệp, xã Lợi An (Trần Văn Thời), ông Nguyễn Việt Khái có thâm niên nuôi tôm công nghiệp hơn 5 năm, biết lãi, biết lỗ, được người dân ở đây gọi là “Trưởng ấp nuôi tôm thành đạt”. Ông Nguyễn Việt Khái có 1 ao lắng nước, 2 ao nuôi nhưng thả lần lượt, thu ao này thả giống ao kia, “chậm mà chắc”.

Ông Lê Văn Phước, 44 tuổi, ở ấp Ông Tự, xã Lợi An (Trần Văn Thời) cũng vừa kéo xong 2 ao tôm sú nuôi công nghiệp, rộng chừng 3.500 m2, thu được hơn 2 tấn. Bà Hồ Thị Triển vợ ông Phướcnhẩm tính: “Vụ này, chỉ nuôi được 2 ao nhỏ, phải chi suôn sẻ hết là trúng đậm. Bây giờ, giá tôm cao nên nuôi 2 ao, bị bể một ao cũng có lãi”.

Ông Trần Văn Gấm, ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An (Trần Văn Thời) nuôi tôm công nghiệp đã hơn 10 năm, không trúng đậm nhưng chưa lỗ vốn. Ông nói: “Chỉ cần trúng mùa 2/3 diện tích là thành công rồi. Với giá tôm hiện nay, tỷ lệ lãi 70% tổng doanh thu. Nhưng không ai dám chắc giá tôm ổn định như hiện nay. Nếu có người bao tiêu sản phẩm, với giá này thì nông dân bỏ ruộng nuôi tôm hết”.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho rằng giá tôm cao cũng là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá tôm có còn đạt đỉnh hay không thì chưa thể biết”.

Ông Trần Văn Khiếm, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm công nghiệp ấp Tân Long, xã Tân Duyệt (Đầm Dơi) có 80 ha nuôi tôm công nghiệp nhưng chỉ mới thả giống hơn 10 ha. Ông nói: “Nuôi tôm mới đỡ một năm, phần đông người nuôi lo giá tôm giảm, đang “treo ao” chờ. Vả lại, hạ lưới điện 3 pha quá tốn kém, không đủ tiền để kéo ra ao tôm”.

Nuôi tôm công nghiệp cần lượng điện quạt nước, bơm ôxy đáy chẳng khác nào cho người bệnh thở ôxy. Ở ấp Ông Khăm, xã Tân Hưng Đông (Cái Nước) xuất hiện nghề “cưỡng bức điện” với mức thù lao 3 triệu đồng/tháng. Người nuôi tôm nhiều, lượng điện tiêu thụ tăng cao, vượt tải nên thường xuyên bị ngắt điện từ cầu dao tự động tại các trạm hạ thế. Diện tích nuôi tôm nhiều, số lần ngắt điện càng lắm.

Bà con nuôi tôm hùn tiền thuê 2 người trực 24/24 h, ngay tại trạm biến áp, kéo cầu dao vì cầu dao tự động (BC) ngắt khi quá tải. Một vài nơi, người ta lén dán keo để cầu dao không thể tự động ngắt để cho tôm thở. Rồi việc người không nuôi tôm phải đốt đèn dầu, không được xem tivi, không có điện trở thành mâu thuẫn do nuôi tôm công nghiệp.

Ông Lâm Xuân Tuấn, Giám đốc Điện lực Cà Mau cho biết: “Tình trạng nông dân cưỡng bức điện, nhiều sự cố nổ bình do nông dân lấy keo dán sắt đổ vào BC tự động. Nhu cầu điện sử dụng vào nuôi tôm nông nghiệp của người nuôi là rất chính đáng, ngành điện chưa đáp ứng đầy đủ. Chúng tôi sẽ xem xét gắng thêm bình hạ thế để “tiếp hơi” cho con tôm”.

 

Phá vỡ quy hoạch

Nuôi tôm công nghiệp quá nhiều thăng trầm. Có lúc, TTCT bị cấm nuôi, rồi lại qui hoạch vùng nuôi riêng. Nhưng rồi TTCT lại tung tăng, không ai có thể qui hoạch, cấm đoán, vì hiệu quả kinh tế nó mang lại. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát, đề xuất trước ngày 20/2/2014 để chỉ đạo trước việc nuôi tôm bùng phát hiện nay.

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nghề cá Cà Mau nói: “Đa số người nuôi tự phát, TTCT trúng mùa đều ở vùng ngoài quy hoạch, đất mới. Tuy nhiên, những vụ nuôi tiếp theo thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do nuôi không đúng quy trình, dịch bệnh phát sinh, đất và nguồn nước bị ô nhiễm…” .

Huyện Phú Tân qui hoạch nuôi tôm công nghiệp đã duyệt từ năm 2011, là 1.000 ha. Cuối năm 2013, tôm công nghiệp đã đạt 1.220 ha. Nếu tính diện tích ao đang đào chuẩn bị nuôi ở huyện Phú Tân thì đạt 1.600 ha. Ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân nói: “Chúng tôi đang mời Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Điện lực Cà Mau giúp đỡ, điều chỉnh bổ sung qui hoạch, đầu tư điện ba pha, thủy lợi và kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp”.

Ngay từ đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương rà soát, chấn chỉnh, đề xuất phương án hỗ trợ người nuôi tôm công nghiệp. Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau nói: “Chúng tôi huy động toàn lực cán bộ chuyên môn, kỹ thuật xuống ao tôm cùng người nuôi”.

>> Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: “Việc qui hoạch vùng nuôi TTCT không còn kể từ khi Bộ NN&PTNT cho phép, vì tôm sú bị dịch bệnh gan, tụy. Người nuôi tôm có lãi, làm giàu thì sao cấm? Cái còn lại là phải điều chỉnh qui hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư hạ tầng để nuôi tôm có hiệu quả, bền vững”.

 



Thủy sản Việt nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: