Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.
Ông Tu Thanh Hường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá, cũng là người nuôi tôm với diện tích lớn ở Ninh Thuận cho hay: Nhiều người biết đến Hội G9 với 9 hộ nuôi tôm rất thành công. Dù diện tích nuôi tôm của G9 chỉ chiếm 10% của tỉnh Ninh Thuận, nhưng sản lượng thì chiếm tới 50% nhờ kỹ thuật nuôi tôm đạt trình độ cao.
Mặc dù G9 đã thực hiện đúng các quy trình, song vẫn xảy ra tình trạng tôm chết. “Nguồn gốc nhập tôm bố mẹ của một số công ty sản xuất tôm giống cả trong nước và nước ngoài liệu có rõ ràng hay không? Theo quy định, khi sản xuất tôm giống có 3 tháng phải giám sát chặt chẽ, hết thời gian phải tiêu huỷ, vậy họ có tuân thủ hay không? Nếu không giám sát theo quy định, chắc chắn chất lượng tôm giống sẽ không đảm bảo” - ông Hường đặt nghi vấn.
Ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà cũng cho biết, sản xuất tôm giống là lĩnh vực đặc thù nên khi kiểm tra, giám sát thường gặp rất nhiều khó khăn, một số trại giống nhìn rất “lụp xụp”, nhưng họ cũng có thể sản xuất tôm giống.
“Ở Khánh Hoà đã có 4 doanh nghiệp (DN) chọn tôm bố mẹ từ tôm thịt để gia hoá tôm giống, người dân mua để nuôi thì xảy ra tình trạng tôm chết, tôm chậm lớn nên mất niềm tin. Đây là một bài học đối với các DN sản xuất tôm giống của tỉnh” - ông Khánh nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định trên, bà Bùi Thị Anh Vân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết: “Việc kiểm soát sản xuất tôm giống hiện vô cùng phức tạp, nếu các cơ quan quản lý không vào cuộc quyết liệt thì người nuôi tôm sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nữa”.
Để minh chứng cho sự phức tạp, bà Vân cho biết Sở chuẩn bị phải xử lý một DN trên địa bàn Ninh Thuận vì sản xuất tôm giống nhưng không chứng minh được nguồn gốc nhập tôm bố mẹ. Theo DN này giải thích, họ nhập tôm bố mẹ từ một đơn vị của Khánh Hoà, nhưng giấy phép nhập khẩu lại hết hạn từ rất lâu nên cơ quan quản lý có thể nghi ngờ DN này nhập tôm bố mẹ đã hết đát rồi tiếp tục sản xuất giống.
Trước đó, Sở NNPTNT Ninh Thuận cũng tiến hành xử lý Công ty TNHH Nam Việt. Bà Vân cho biết, dựa vào đề tài “Nghiên cứu sử dụng các hoạt chất sinh học bổ sung vào thức ăn nuôi phát dục tôm sú, tôm thẻ chân trắng nhằm nâng cao chất lượng đàn tôm bố mẹ từ 2012 – 2014”, Công ty TNHH Nam Việt đã vi phạm 3 điều khoản quy định của Nhà nước là: Không thực hiện kiểm dịch cả đầu vào và đầu ra; buôn bán, sản xuất kinh doanh sản phẩm không có trong danh mục cho phép; khi bị phát hiện đã tẩu tán tang vật vi phạm.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuỷ sản, hiện công tác quản lý chất lượng tôm giống nhiều nơi chưa được kiểm soát chặt. Một lượng tôm giống không rõ nguồn gốc, tôm giống kém chất lượng, không sạch bệnh từ tôm gia hoá được đưa vào nuôi làm lan truyền mầm bệnh khắp nơi. Đây là nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, do sản xuất tôm giống ở nước ta phải phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ từ các nước phát triển nên không chỉ bị động về tôm bố mẹ, mà còn khó kiểm soát chất lượng.
“Để cải thiện tình trạng này, Tổng cục Thuỷ sản đang thực hiện Thông tư 26, kiểm tra tận gốc các nước mà chúng ta nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý tốt chất lượng tôm bố mẹ và giảm bớt chi phí cho công tác kiểm tra” - ông Thể nói. Hiện, Tổng cục đã cử đoàn sang kiểm tra chất lượng tôm giống tại Thái Lan và chuẩn bị kiểm tra Singapore, tiến tới kiểm tra chất lượng tôm giống tại Mỹ.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, kiểm tra tại Thái Lan cho thấy, một DN đã dùng tôm dưới đầm cho sinh sản làm tôm bố mẹ để bán cho DN sản xuất giống của Việt Nam. Tổng cục sẽ thông báo cho các DN sản xuất tôm giống tránh nhập khẩu tôm bố mẹ từ DN Thái Lan này.
"Nhu cầu tôm giống ngày càng tăng, trung bình, mỗi năm cả nước cần khoảng 50 tỷ tôm giống. Xác định khâu sản xuất giống quan trọng nên Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản truy xuất tận gốc nguồn tôm bố mẹ tại Thái Lan, Singapore, Mỹ”, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Bộ NN&PTNN