Quy hoạch cho tôm chưa thành

Monday,
12/02/2018
0

Với sự phát triển nóng của ngành tôm những năm qua, đặc biệt là việc gia tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch cho tôm; tuy nhiên, phần nhiều trong số này chưa thực hiện được, do còn vướng nhiều rào cản…


Câu chuyện “vốn”

Những năm gần đây, nhiều tỉnh như Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã đặc biệt chú ý công tác quy hoạch, nhằm hướng tới phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp theo hướng ổn định, bền vững.

Tại tỉnh Cà Mau, ngay từ năm 2011 đã có hai vùng nuôi tôm công nghiệp được quy hoạch tập trung tại xã Hòa Tân thành phố Cà Mau và xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi với tổng diện tích 2.000 ha; với kỳ vọng đây sẽ là 2 vùng nuôi tạo sự đột phá cho con tôm Cà Mau. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở NN&PTNT Cà Mau, hiện hai vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp tập trung này vẫn trong tình trạng trống trơn, có nguy cơ “chết yểu” vì không có vốn đầu tư. Ông Nguyễn Quốc Thống, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi cho biết, dù quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn không có doanh nghiệp nào vào đầu tư. Hiện, có hơn 432 hộ sinh sống trong khu vực này, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh truyền thống năng suất thấp.

Tương tự, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hoà Tân, thành phố Cà Mau sau 3 năm quy hoạch cũng vẫn rất hoang sơ, chưa có doanh nghiệp vào đầu tư. Dù Dự án đã được xây dựng xong, thiết kế cũng đã hoàn chỉnh nhưng khi khảo sát thực địa thì sự đồng thuận của người dân không cao. Bởi thế nên dự án hiện đang bị “tạm dừng” vô thời hạn.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-Thuy-san-Viet-Nam3528-.jpg

Đến năm 2015, tỉnh Cà Mau quy hoạch diện tích nuôi tôm công nghiệp là 10.000 ha
 

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp Bàu Sình A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc có diện tích 86,2ha, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 8422/QĐ-UB ngày 29/10/2004 cũng bị treo đến chục năm. Được biết, UBND huyện Xuyên Mộc đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư công trình với tổng vốn 314 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này chưa tiếp tục triển khai do điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Quyết định số 2288/2006/QĐ.UBT ngày 7/8/2006 của UBND tỉnh…

Quy hoạch bị phá vỡ

Thực tế một số địa phương, vấn đề quy hoạch còn chưa được quản lý chặt chẽ. Nơi quy hoạch thì dân không làm, ngược lại nơi dân làm thì không nằm trong quy hoạch. Chính sự “chưa chặt chẽ” trong quy hoạch đã khiến việc đầu tư hạ tầng cũng “hụt hơi”.

Tại huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), ban đầu, quy hoạch giai đoạn 2010 - 2015 chỉ 827 ha; nhưng do nhu cầu nuôi của người dân lại quá cao nên đến tháng 2/2014 là 1.815 ha. Cũng do sự phá vỡ quy hoạch mà hiện huyện rà soát lại và bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2014 - 2015 là 3.000 ha (hiện đến thời điểm này đã gần 2.000 ha).

Còn tại huyện Cái Nước, có trên 1.500 ha nuôi tôm công nghiệp, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2013; trong số 1.500 ha nuôi tôm công nghiệp thì có đến hơn 500 ha ngoài vùng quy hoạch…Trong nhiều báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh gần đây cho thấy, việc phát triển nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch đang là vấn đề “đau đầu” nhất của địa phương.

Việc phát triển tự phát, ngoài quy hoạch không chỉ là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát mà còn khiến công tác đầu tư cho hạ tầng nuôi tôm công nghiệp khó theo kịp, dẫn đến những hệ lụy khó lường như, thiếu điện, thiếu thuốc thú y thủy sản, thiếu con giống…

Thực tế, không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến những “điểm yếu” trong công tác quy hoạch ngành thủy sản. Từ nhiều năm trước, vấn đề “quy hoạch” vẫn là câu chuyện khiến các nhà quản lý đau đầu.

“Không có quy hoạch thì nói không có. Có quy hoạch rồi nhưng cũng không doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư, quy hoạch mãi ở dạng “treo”. Trong khi đó, nhiều bà con nông dân vẫn kiểu mạnh ai lấy làm, phát triển ồ ạt, tự phát khiến nguy cơ dịch bệnh gia tăng, khó kiểm soát”, một lãnh đạo Viện Kinh tế & Quy hoạch Thủy sản từng chia sẻ.

>> Ông Ngô Tấn, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam: Hiện diện tích nuôi trồng tôm trên địa bàn tỉnh 1.800 - 1.900 ha (trước đây là 2.500 ha). Nhưng thời gian qua, việc phát triển nóng tự phát của người dân khiến quy hoạch bị chồng lấn gây ảnh hưởng đến phát triển ngành, nhất là các huyện ven biển của tỉnh. Nguyên nhân chồng lấn là do người dân tự phát làm hồ nuôi khiến quy hoạch bị phá vỡ.


Theo Thủy sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: