Quy hoạch lại các nhà máy chế biến thủy sản

Thursday,
22/02/2018
0

Theo đề án tái cơ cấu ngành thủy sản do Tổng cục Thủy sản chủ trì, trong những năm tới sẽ quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thiếu ô nhiễm môi trường và dễ quản lý.


Lý do để có đề xuất này là theo Tổng cục Thủy sản, hiện công suất các nhà máy chế biến thủy sản đã dư thừa, hoạt động chỉ đạt 60-70% công suất thiết kế. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ kết hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổng điều tra và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dể quản lý.

Qua đó, đề án đưa ra lộ trình quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản cho phù hợp với từng vùng sản xuất nguyên liệu, từng thị trường và vùng miền đất nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản sẽ cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Thí điểm, nhân rộng mô hình người nuôi, người cung ứng vật tư và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng góp cổ phần nhằm tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện cả nước có khoảng 520 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản (gồm hàng tươi, hàng khô) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó, có 412 cơ sở, nhà máy chế biến được phép xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo của Vasep (yêu cầu không nêu tên) nói rằng, không biết Tổng cục Thủy sản muốn quy hoạch lại các nhà máy chế biến thủy sản bằng cách nào vì hiện các nhà máy, cơ sở chế biến đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư ban đầu của các những chủ sở hữu này.

“Nếu cơ quan quản lý muốn quy hoạch các nhà máy chế biến thì chỉ có thể giảm bớt các nhà máy thuộc sở hữu nhà nước, còn những nhà máy thuộc các công ty cổ phần thì không thể làm được”, vị này nói.

Ông này cũng chỉ ra, hiện chưa có một thống kê nào chỉ ra những nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất chế biến có lợi nhuận thấp hơn những nhà máy có 100% công suất.

“Nếu một nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất nhưng lại chế biến sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng cao thì sẽ có lợi nhuận cao hơn một nhà máy hoạt động 100% công suất nhưng chỉ gia công cho các doanh nghiệp khác”, ông nói.

Theo bản đề án, tổng nguồn vốn cho đề án đến năm 2020 là 40.000 tỉ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước là 10%. Cụ thể, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cần khoảng 17.000 tỉ đồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản là 11.000 tỉ đồng, chế biến và thương mại khoảng 5.000 tỉ đồng. Còn nhu cầu vốn cho dịch vụ hậu cần nghề cá khoảng 7.000 tỉ đồng.


TBKTSG Online

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: