Nông dân rộn ràng thả tôm giống
Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL vừa thu hoạch xong vụ lúa trên nền đất nuôi tôm (lúa – tôm) với niềm vui trúng mùa. Nhiều nơi nông dân đã cải tạo và lấy đủ nước vào vuông sẵn sàng thả giống.
Lúa lên bờ, tôm xuống ruộng
Những ngày này, đi dọc theo những cánh đồng ở các huyện vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), lúa thu hoạch đã vãn. Các cống ngăn mặn ven biển đã được mở toang cho nước biển đổ vào những nhánh sông. Tiếng máy nổ vang, hút nước từ tuyến kênh, mương đổ vào ruộng lúa vừa thu hoạch xong. Nông dân ở đây quen gọi đó là vuông tôm. Ruộng kề ruộng, mênh mông như biển nước. Người chống xuồng, người tạt vôi, hóa chất để xử lý, tạo màu nước chuẩn bị đón tôm giống về thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh vừa rảo quanh vuông tôm một vòng, phấn khởi nói: “Năm rồi vụ lúa trúng mùa nên nhiều gốc rạ, sẽ là điều kiện lý tưởng cho nghề nuôi quảng canh tôm – lúa. Gia đình tôi sạ lúa ngắn ngày nên cắt sớm, hiện đã thả giống tôm được gần 20 ngày. Hy vọng vụ tôm tiếp tục thành công, thu hoạch sớm bán sẽ được giá cao”.
Theo khung thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2019, sẽ bắt đầu từ 15/12 của năm trước đến khoảng tháng 5 năm sau, tùy theo khu vực và hình thức nuôi. Torng đó, mùa vụ sản xuất tôm sú – lúa, vùng U Unh Thượng sẽ tập trung thả giống từ tháng 1 đến giữa tháng 4 là dứt điểm.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tiếp theo thắng lợi của năm trước, năm nay tỉnh có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ 123.000 ha, gồm các hình thức nuôi tôm – lúa, tôm – rừng, bán thâm canh và thâm canh công nghệ cao. Nhu cầu thả nuôi cả năm cần đến 10 tỷ tôm post. Với năng lực hiện tại, tỉnh chỉ sản xuất được khoảng gần 50%, còn lại là phải nhập từ nơi khác về.
Tại tỉnh Trà Vinh, nông dân cũng đã bắt đầu bước vào vụ nuôi tôm mới 2019. Cụ thể, trên đối tượng nuôi tôm sú, đến nay toàn tỉnh có 2.861 hộ thả nuôi với diện tích 3.182 ha (đạt 14,7% so kế hoạch) với số lượng giống 201,6 triệu con. Tập trung chủ tại các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, thị xã Duyên Hải.
Đối với tôm thẻ chân trắng, Trà Vinh có 1.466 hộ thả nuôi trên diện tích 513,5 ha (đạt 6% so kế hoạch) với số lượng giống 339,7 triệu con. Sản lượng thu hoạch 1.169,7 tấn (đạt 3% so kế hoạch). Trong đó có 99 lượt hộ thả nuôi theo hình thức siêu thâm canh, trên diện tích 161,67 ha với số lượng giống 50,8 triệu con, sản lượng thu hoạch 34 tấn.
Hình thức nuôi siêu thâm canh mới phát triển trong thời gian gần đây tại Trà Vinh, chủ yếu tập trung tại huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Siết chặt quản lý con giống
Để quản lý chất lượng tôm giống, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang đã lập trạm kiểm soát tải các trục đường chính vào tỉnh. Theo đó, có sự kết hợp của cảnh sát giao thông để chặn xe, lược lượng chuyên môn kiểm tra các giấy tờ liên quan, cần thiết sẽ lấy mẫu tôm giống xét nghiệp. Đồng thời hỗ trợ xét nghiệm bệnh tôm giống miễn phí trước khi thả nuôi cho nông dân khi mang mẫu tôm giống đế cơ quan chức năng. Trong quá trình nuôi có dịch bệnh xảy ra sẽ được cấp miễn phí hóa chất để dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và đưa vào sử dụng chợ tôm giống Thứ Bảy (huyện An Biên). Đây sẽ là đầu mối tập trung, để doanh nghiệp và người dân trao đổi, mua bán tôm giống, có sự kiểm tra, kiểm soát về chất lượng tôm giống của cơ quan chức năng.
Tưng tự, tỉnh Trà Vinh cũng tăng cường khâu quản lý tôm giống, dịch bệnh… Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết: “Thời gian tới khi vào vụ chính bà con thả nuôi nhiều, chúng tôi tiếp tục theo dõi tiến độ thả nuôi tôm nước lợ ở các huyện ven biển và nuôi thủy sản ở các huyện vùng nước ngọt. Qua đó nắm bắt tình hình và dự báo dịch bệnh, thống kê thiệt hại để có giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, Chi cục cũng sẽ giám sát việc tổ chức hội thảo của các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, men vi sinh dùng trong nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh”.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam