Hiện nay, thị xã Vĩnh Châu và 3 huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên đã thả giống nuôi tôm nước lợ. Với tình trạng nắng nóng và xâm nhập mặn còn kéo dài trong tháng 4 và tháng 5, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn dẫn đến các yếu tố thủy lý hóa trong ao thay đổi đột ngột, dễ làm cho tôm bị sốc, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập.
Theo kết quả giám sát dịch bệnh hằng năm, những tháng nắng nóng thì số tôm chết do bệnh gan tụy cấp cũng tăng theo. Do đó các biện pháp tổng hợp phòng chống hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm là điều người nuôi cần đặc biệt chú ý.
Đến nay diện tích thả nuôi tôm nước lợ trong toàn tỉnh hơn 4.830 ha, trong đó đã có hơn 500 ha bị thiệt hại. Theo phân loại của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, có 120 ha tôm chết do hoại tử gan tụy cấp, 140 ha bị đốm trắng, còn lại do bệnh môi trường. Một số ao nuôi ở thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có xu hướng thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp tăng nhiều, ông Ong Văn Dậu ở xã Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Vụ nuôi tôm năm 2015, chỉ khoảng 20% hộ nuôi có lời, còn đa số các hộ nuôi trong ấp đều bị lỗ. Lý do là trong quá trình nuôi có nhiều dịch bệnh phát sinh, nhất là hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm, đây là bệnh mà đa số người nuôi tôm đều lo ngại”. Theo ông Lê Quang Minh - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu khuyến cáo: “Hiện nay do thời tiết nắng nóng, bà con không nên nóng vội thả giống mà phải tuân thủ lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo. Giai đoạn này, bà con nên tập trung cải tạo và phơi đáy ao cho kỷ. Còn những hộ đã thả giống và đang bị dịch bệnh thì phải nhanh chóng báo cho ngành chức năng để kịp thời hỗ trợ bà con trong khâu trị bệnh hoặc có biện pháp xử lý mầm bệnh, tránh không để lây lan”.
Tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính là vi khuẩn Vibrio, khác với bình thường, nhóm vi khuẩn này có độc lực rất cao, phá hủy tế bào gan tụy, tôm chết nhanh, đột ngột, không kịp cứu chữa. Việc sử dụng thuốc diệt giáp xác một thời gian dài khiến dư lượng ảnh hưởng đến chức năng gan tụy của tôm. Ngoài ra, bệnh xảy ra nặng hơn nếu môi trưởng ao xấu bao gồm nền đáy ao cũ ở vùng có phèn, ôxy hòa tan thấp, ao không gây được tảo hay màu nước không ổn định, thời tiết biến động mạnh, ao phát sáng hay áp lực dịch bệnh cao. Bệnh thường xảy ra trong tháng nuôi đầu, tôm còn nhỏ nên khó phát hiện.
Để phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, cần áp dụng các biện pháp tổng hợp. Trước tiên là tuân thủ lịch thời vụ khuyến cáo của địa phương, chuẩn bị ao kỹ, dọn sạch bùn đen, chất thải vụ nuôi cũ, phơi nền khô, gây màu nước ổn định và sát trùng nước trước khi thả giống. Yếu tố con giống quyết định cao trong việc phòng bệnh, người nuôi nên mua con giống đã được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trước khi thả, đặc biệt là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh vi bào tử trùng.
Mật độ thả vừa sức: đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 - 20 con/m2, nuôi bán thâm canh 8 - 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng 30 - 60 con/m2 (đối với những hộ mới chuyển đổi ) và 60 - 80 con/m2 (đối với những hộ có kinh nghiệm và đủ điều kiện).
Về quản lý thức ăn: khác với tôm sú, tôm thẻ chân trắng cần nhu cầu đạm thức ăn thấp hơn (khoảng 32 - 35%). Sức ăn của tôm phụ thuộc nhiều vào hàm lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ môi trường, chính vì vậy việc theo dõi để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp là vô cùng quan trọng. Bà con cần kiểm tra trọng lượng tôm vào ngày nuôi thứ 20 để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chủ động giảm thức ăn khi thời tiết thay đổi, quản lý ao nuôi (như thay nước, xử lý hóa chất, rớt tảo, tôm nổi đầu, lột xác). Ngoài ra có thể bổ sung thuốc bổ, thuốc đường ruột, Vitamin C, các loại khoáng trộn vào thức ăn cho tôm ăn theo hướng dẫn của các nhà cung cấp có thương hiệu, uy tín để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Do thời tiết nắng nóng, môi trường ao nuôi phải thực hiện đúng quy trình của ngành chức năng khuyến cáo để hạn chế dịch bệnh trên tôm
Về việc giữ ổn định môi trường ao nuôi, ông Trần Tuấn Phong - Phó Phòng Quản lý dịch bệnh - chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Hiện nay thời tiết nắng nóng, mực nước trong ao nuôi sẽ bốc hơi rất nhanh, do đó bà con phải chuẩn bị ao lắng để chủ động trữ nước kết hợp thả cá rô phi xử lý nguồn nước cho sạch, để kịp thời cung cấp nước đầy đủ cho ao nuôi. Trước khi thả nuôi nên xử lý nước trong ao cho kỷ để phòng ngừa bệnh gan tụy trên tôm. Trong quá trình nuôi bà con phải thường xuyên kiểm tra, xử lý vi khuẩn trong ao, góp phần hạn chế dịch bệnh trên tôm”.
Ngoài ra, xử lý tốt ao nuôi cũ khi tôm bị bệnh chết sớm cũng là cách phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho các vùng xung quanh và vụ nuôi sau. Do đó Khi phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi bệnh bà con hãy báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để lấy mẫu xác định tác nhân gây bệnh. Khi đã xác định tôm nuôi bị nhiễm bệnh thì cần phải xử lý ngay. Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch, nếu nhỏ thì sử dụng hóa chất (Chlorine) để xử lý, giữ nước lại trong ao 2 tuần trước khi xả ra môi trường. Phải khử trùng dụng cụ, thu gom và xử lý rác thải. Cải tạo lại ao, ngưng ít nhất 1 tháng trước khi thả nuôi đợt mới./.
Theo Đài PT - TH Sóc Trăng