Không đặt nặng đến sản lượng tôm nuôi, mà nên đặt vấn đề an toàn và lợi nhuận cho người nuôi - Là quan điểm chỉ đạo của Sóc Trăng trong vụ nuôi 2016 và những năm tiếp theo. Thực tế cho thấy, sự phát triển “nóng” đối với nghề nuôi tôm nước lợ đã dẫn đến những rủi ro nhiều năm và khó khôi phục.
Thị xã Vĩnh Châu là vùng nôi tôm truyền thống trên 20 năm, tiếp đó là huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề. Đời sống người dân vùng nhiễm mặn khá lên cũng nhờ nghề nuôi tôm nước lợ. Sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát đã dẫn đến ô nhiễm môi trường vùng nuôi nghiêm trọng, mà từ năm 2010 đến nay vẫn chưa khôi phục được. Ông Lê Văn Trọng ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, cho rằng: “Mô hình tôm - lúa đã làm cho đời sống bà con các xã vùng sâu của huyện Mỹ Xuyên phát triển lên rất nhiều. Nhưng do những năm gần đây, bà con thấy lợi nhuận cao mà phát triển ồ ạt không tuân thủ huy hoạch nên đã phá vỡ thế mạnh của mô hình này, dẫn đến môi trường nuôi bị suy kiệt”. Còn ông Nguyễn Sù Anh ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Do người dân chỉ thấy lợi trước mắt mà không nghĩ đến tính bền vững trong sản xuất, chăn nuôi như thấy vụ nuôi trước trúng mùa thì vụ sau thả nuôi nhiều hơn, nuôi dày hơn, đầu tư cải tạo môi trường nuôi thì qua loa… làm cho đất không được nghỉ ngơi, môi trường nuôi ô nhiễm gây nhiều dịch bệnh trên tôm”.
Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm nước lợ lúc cao điểm lên trên 50.000 ha, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh chiếm 83,6% vào thời điểm năm 2007. Thành công của nghề nuôi tôm nước lợ đã tạo thành xu thế làm giàu cho nông dân, nhiều vùng đất quy hoạch tôm - lúa cũng bị phá vỡ để chuyển sang nuôi tôm bán thâm canh. Năm 2016, Sóc Trăng quy hoạch ổn định vùng nuôi tôm nước lợ chỉ còn 46.000 ha, duy trì diện tích nuôi luân canh tôm - lúa 10.000 ha ở huyện Mỹ Xuyên, khuyến khích người nuôi tôm ứng dụng quy trình luân canh tôm - cá phù hợp, ứng dụng quy trình kỹ thuật cao đối với tôm thẻ chân trắng, không đặt ra chỉ tiêu sản lượng mà tập trung vào giải pháp nuôi an toàn, đảm bảo lợi nhuận cao. Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, nhấn mạnh: “Trong sản xuất không nên coi trọng vấn đề làm sao cho đạt diện tích, năng suất theo kế hoạch, mà phải tập trung làm sao để nuôi cho hiệu quả, sản phẩm nuôi đảm bảo an toàn, nâng cao được chuỗi giá trị con tôm. Thời gian tới đây, Sở NN&PTNT Sóc Trăng sẽ tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác cho nông dân”.
Mô hình tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường nuôi an toàn ở huyện Mỹ Xuyên.
Vụ nuôi 2016 ở các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh trọng điểm ở Sóc Trăng đã bắt đầu chuyển đổi quy trình nuôi Biofloc, nuôi 2 giai đoạn, quy trình thâm canh có ứng dụng kỹ thuật cao, nuôi sinh thái,… đây là chuyển biến rất quan trọng đối với vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Diễn biến thời tiết, khí hậu khó lường, cơ hội bùng phát dịch bệnh còn phức tạp, nên những quy trình nuôi an toàn, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến sẽ ứng phó hiệu quả hơn trước tác động khách quan của thời tiết, khí hậu.
Theo Đài PT - TH Sóc Trăng