Niên vụ tôm nuôi 2015, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục là “điểm nóng” của tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại. Đáng ngại nhất là tại một số địa phương trong tỉnh, dịch bệnh trên tôm nuôi đang đứng trước nguy cơ lây lan và bùng phát mạnh. Tính đến cuối tháng 6, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên toàn tỉnh đã lên đến gần 5.500 ha, chiếm gần 30% diện tích thả nuôi.
Theo Chi Cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, tại một số địa phương có diện tích tôm thiệt hại lớn, hiện dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát và lây lan rộng. Đặc biệt là hiện nay đang ở giai đoạn đầu mùa mưa, điều kiện môi trường ao nuôi biến động khó kiểm soát, vì vậy, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại và bị bệnh còn dự báo sẽ tăng. Chi Cục Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, người nuôi nên tạm ngưng thả giống đối với những vùng đang có dịch, đến khi điều kiện môi trường ổn định sẽ tiếp tục thả nuôi. Đồng thời, Chi Cục Thú y tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tại các địa phương đang có diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Giết, ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết, tôm sú của gia đình nuôi được hơn 2 tháng và đang phát triển tốt, nhưng do thời tiết bất lợi đã làm hơn 20.000 con tôm gia đình thả nuôi trên diện tích 6.000 m2 bị sốc và thiệt hại hoàn toàn. Trước đó, tôm nuôi của gia đình trong thời gian 45 - 50 ngày tuổi vẫn phát triển tốt, nhưng từ 55 - 60 ngày là bắt đầu có dấu hiệu thiệt hại, tôm chết nhanh và đồng loạt nên không thể cứu kịp. Theo ông Giết thì tôm chết là do sự thay đổi đột ngột của thời tiết, nắng nóng, mưa dầm liên tục mấy ngày liền làm cho tôm nuôi bị sốc nhiệt. Ngoài ra, có thể do mầm bệnh của mấy vụ nuôi trước chưa được xử lý triệt để.
Theo thông tin giám sát dịch bệnh của các trạm thú y tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, có hơn 70% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là do bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, 25% do biến đổi môi trường, còn lại là do các nguyên nhân khác. Trong đó, diện tích bị thiệt hại tập trung nhiều trên tôm trong giai đoạn từ 20 đến 45 ngày tuổi. Trong các địa phương bị thiệt hại thì huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu là nặng nề nhất.
Ông Trần Quốc Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết, tính đến thời điểm này, địa phương đã ghi nhận hơn 2.500 ha diện tích tôm thiệt hại, chiếm hơn 20% diện tích đã thả nuôi; phần lớn đều do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường và dịch bệnh. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thả nuôi tại địa phương. Hiện, Mỹ Xuyên cũng chỉ mới thả được 11.000 ha, chiếm khoảng 60% kế hoạch. Diện tích còn lại ngành chức năng khuyến cáo bà con cần thận trọng trong quá trình xử lý nước trước khi nuôi; quan trọng nữa là nên chọn mua giống ở các cơ sở đạt chất lượng, tránh mua tôm tại các trại tôm trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường.
Ông Trần Tuấn Phong, Phó trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước tình hình thiệt hại trên tôm nuôi đang có dấu hiệu tăng nhanh, sắp tới Chi cục tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên các vùng nuôi cũng như là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống nhằm đảm bảo chất lượng nguồn giống tốt nhất. Khi mà dịch bệnh làm thiệt hai tôm nhiều quá, lây lan nhanh và có chiều hướng diễn biến phức tạp, khi đủ điều kiện thì Chi Cục Thú y sẽ tham mưu công bố dịch tại vùng đó để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Năm 2014, tôm nuôi nước lợ tỉnh Sóc Trăng đã thiệt hại gần 20.000 ha, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân, cũng như khó khăn trong việc tái thả nuôi trong niên vụ tôm 2015. Niên vụ tôm năm 2015, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi tôm nước lợ đạt gần 20.000 ha, chiếm hơn 40% kế hoạch. Như vậy, tỉnh còn khoảng 35.000 ha, dự kiến sẽ được người nuôi tiếp tục thả trong thời gian tới. Với tình hình thời tiết bất lợi, dịch bệnh như thế, sẽ là thách thức rất lớn đối với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
TTXVN /Khuyến Nông Việt Nam