Vụ nuôi tôm năm nay, dự kiến sản lượng sẽ vượt 60.000 tấn so kế hoạch. Điều kiện môi trường, thời tiết đầu vụ tuy có khó khăn, một số vùng nuôi ở TX. Vĩnh Châu xảy ra thiệt hại, nhưng khi vào chính vụ thời tiết khá thuận lợi nên tôm phát triển tốt, tỉ lệ thiệt hại giảm thấp.
Đến nay sản lượng đã đạt trên 51.000 tấn và các vùng nuôi đang thu hoạch rộ nên sản lượng tôm tăng lên từng ngày. Hiện nay diện tích thu hoạch tôm được gần 18.000 ha và còn khoảng 15.000 ha đang thả nuôi, đa phần là tôm thẻ chân trắng nên sản lượng tôm sẽ còn rất cao. Phấn khởi là năm nay giá tôm tăng đột biến ngay từ đầu vụ, hiện vào cao điểm vụ thu hoạch mà tôm thẻ chân trắng loại 100 con 1 kg có giá 102.000 đồng, tôm sú 20 con 1 kg lên đến 260.000 đồng, nên người nuôi tôm rất phấn khởi. Theo các doanh nghiệp chế biến, giá tôm kích cỡ vừa và nhỏ tăng 60% so với năm rồi, đặc biệt loại dưới 30 con 1 kg giá tăng đến 75%. Mức độ thiệt hại vụ nuôi năm 2013 gần 30%, chủ yếu là thời điểm đầu vụ, bà con đã thận trọng hơn khi chọn thời điểm thích hợp để thả giống, kỹ thuật chăm sóc chặt chẽ, các biện pháp nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi cá rô phi trong ao lắng, nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm cũng được áp dụng phổ biến, nên mức độ thiệt hại giảm đáng kể. Người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã ứng dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa bệnh, các hình thức xử lý môi trường, cải tạo ao nuôi,… Trong khó khăn chung thì ý thức bảo vệ môi trường, biện pháp nuôi an toàn đã được phát huy và hiệu quả mang lại cho người nuôi khá tốt. Biện pháp nuôi tôm 2 giai đoạn đã được bà con ở Mỹ Xuyên ứng dụng tốt, nhiều hộ đang tập trung chuyển đổi quy trình nuôi, bởi vừa giúp người nuôi hạn chế chi phí, vừa đảm bảo tốc độ phát triển. Ông Trần Văn Chính - xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Biện pháp nuôi này hiệu quả hơn, trước đây có 1 ao nuôi tràn lan việc quản lý rất khó, hiện bà con đã chia nhỏ diện tích ao nuôi, sẽ hạn chế rất nhiều dịch bệnh và tính ra chi phí ít tốn hơn, mà hiệu quả lại rất cao”. Thạc sĩ Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung Tâm Khuyến Nông Sóc Trăng có đánh giá sau: “Diện tích thiệt hại tôm của Sóc Trăng rất ít so với các tỉnh khác, bí quyết thành công nhất là do chúng ta đã chọn được thời điểm thích hợp để thả giống, tránh mùa cao điểm dịch bệnh và có kết quả như mong muốn. Hơn nữa qua 2 năm thiệt hại ý thức của bà con đã được nâng lên rất cao và trong năm nay một số mô hình như mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, luân canh tôm lúa, nuôi các rô phi đã được áp dụng thành công trên các ao nuôi, đem lại thành công cho bà con”.
Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú đang phát triển rất mạnh, vì bà con vẫn nghĩ tôm thẻ chân trắng dễ nuôi hơn. Trong điều kiện nuôi khá thuận lợi, giá tôm thương phẩm tăng cao, nên tác động đến hình thức nuôi tăng vụ, tăng mật độ, mà điều đó sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Bá - xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên nói: “Qua nhiều lần thiệt hại bà con ở đây đã rút ra kinh nghiệm là nếu cứ thả giống tiếp tục trên phần ao đã bị thiệt hại thì nguy cơ tôm chế trắng rất cao, do đó hiện bà con đã thận trọng hơn rất nhiều”. Ông Ngô Công Văn - xã Hòa Tú 2 cho rằng: “Nuôi tôm sú thì có thể nuôi thưa kéo dài thời gian, có thể kết hợp luân canh tôm – lúa, mang lại hiệu quả cân bằng môi trường hơn. Còn tôm thẻ thì bà con liên tiếp qua các vụ sẽ dần làm mất cân bằng môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao”.
Thời tiết thuận lợi, các yếu tố biến động môi trường ao nuôi cũng hạn chế, nên đa phần nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú cũng thuận lợi như nhau, do giá tôm cỡ nhỏ giá cao nên tôm thẻ chân trắng thiệt hại ở thời điểm 2 tháng tuổi người nuôi vẫn có lãi, điều này khiến hộ nuôi tiếp tục tăng vụ. Tình hình này sẽ làm cho môi trường ao nuôi, vùng nuôi nhanh chóng ô nhiễm và những vụ nuôi tiếp theo bà con phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Đài PT-TH Sóc Trăng