Năm 2014, lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu của Sóc Trăng đạt 610 triệu USD, chiếm gần 10% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh cũng đạt sản lượng trên 81.000 tấn, tăng hơn 8.000 tấn so với năm 2013. Sản lượng tăng đã đóng góp trực tiếp cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đối với công nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh nhà. Đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng – với diện tích đất sản xuất chỉ chiếm 1/3 so với đất canh tác lúa, nhưng giá trị chiếm hơn 1/2 so với GDP toàn tỉnh.
Năm vừa qua, giá tôm ổn định ở mức cao nên có hơn 67% hộ nuôi có lãi, đặc biệt là hộ nuôi thành công đều đạt lợi nhuận trên 40% so với chi phí đầu vào. Tuy sản lượng cao nhưng mức độ tôm nuôi bị thiệt hại cao nhất trong khu vực. Đây cũng là điều mà UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đang tập trung mọi biện pháp để giảm tỉ lệ hộ nuôi xuống dưới 20% trong vụ nuôi năm 2015.
Đối tượng tôm thẻ được người nuôi tập trung lớn đã kéo theo diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh tăng lên đột biến với hơn 39.000 ha, chiếm 84% diện tích nuôi toàn tỉnh. Sóc Trăng là tỉnh nuôi tôm nước lợ có mật độ cao nhất so với các tỉnh duyên hải ĐBSCL, chính biện pháp nuôi thâm canh cao đã tác động xấu đến môi trường vùng nuôi, dễ phát sinh dịch bệnh. Ông Lê Văn Hăng, Chi Cục nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho rằng: “ Chúng ta cần quản lý chất lượng đầu vào thật tốt như: thuốc, kỹ thuật cải tạo ao, yhả con giống và nhất là về chất lượng giống, căn bản nhất là ngành luôn khuyến cáo bà con hạn chế mật độ nuôi vừa phải để hạn chế rủi ro”.
Huyện Trần Đề là vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trọng điểm của Sóc Trăng, chính vì thế mà ngành chức năng cũng tập trung khuyến cáo các biện pháp nuôi an toàn sinh học, hạ thấp mật độ để hạn chế rủi ro. Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Phòng NN & PTNT huyện Trần Đề cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo bà con ở huyện Trần Đề nên hạ thấp mật độ thả giống, đối với tôm thẻ dưới 60 con, tôm sú dưới 20 con/m2…Mặt khác nên áp dụng các biện pháp nuôi cá rô phi luân canh, nuôi an toàn sinh học”
Những vùng nuôi tôm ở các địa bàn cuối nguồn nước mặn, điều kiện kỹ thuật không đảm bảo của thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên bùng phát diện tích nuôi bán thâm canh tôm thẻ chân trắng thì tỉ lệ thiệt hại rất cao. Xu thế nuôi thâm canh, bán thâm canh tôm thẻ chân trắng đã phá vỡ một phần diện tích tôm – lúa mà huyện Mỹ Xuyên là một điển hình. Hiện nay, Mỹ Xuyên chỉ còn hơn 10.500 ha trên tổng diện tích gần 18.000 ha đất nuôi tôm còn duy trì được quy trình luân canh tôm – lúa. Huyện đang triển khai đề án “Lúa thơm - tôm sạch” để phát huy quy trình tôm – lúa bền vững. Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Tố cho biết: “ Ngọc Tố có đặc điểm giáp sông Cổ Cò nên nhiều hộ chuyển đổi sang nuôi bán thâm canh nhưng tỉ lệ thất mùa rất nhiều. Chúng tôi nhất quán với sự chỉ đạo của huyện là không để phát sinh nuôi thâm canh, bán thâm canh mà giữ vũng các xã nuôi theo quy trình tôm – lúa để ổn định môi trường sinh thái”.
Thị xã Vĩnh Châu là vùng nuôi tôm bị thiệt hại nặng nhất trong 2 năm qua, chính vì thế mà ngành chuyên môn thị xã đã vận dụng khá linh hoạt khung lịch thời vụ của tỉnh để xây dựng vùng nuôi, đối tượng nuôi hợp lý, nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi.
Vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng đang đứng trước những thách thức về môi trường, chính vì vậy mà các biện pháp khôi phục vùng nuôi là rất cần thiết. Ứng dụng quy trình nuôi an toàn sinh học như: quy trình tôm – lúa bền vững, nuôi tôm nước xanh, nuôi với mật độ phù hợp là cách làm mang tính cấp thiết hiện nay. Hạn chế thiệt hại trên tôm xuống dưới 20% là một biện pháp tổng hợp giữa người nuôi và ngành chuyên môn, bởi sự thành công của nghề nuôi tôm nước lợ là thành công của kinh tế Sóc Trăng trong năm 2015.
Đài PTTH Sóc Trăng