Sóc Trăng: Thông báo kết quả quan trắc môi trường tháng 6

Tuesday,
12/06/2018
0
Sóc Trăng: Thông báo kết quả quan trắc môi trường tháng 6
Ảnh: fapas.com

Sau đây là kết quả quan trắc môi trường và những khuyến cáo hữu ích cho người nuôi tôm ở Sóc Trăng.

Nhận xét:

- Nhiệt độ nước: Trong tuần nhiệt độ thấp hơn tuần trước 1oC dao động từ 28-30oC và nằm trong ngưỡng cho phép.

- Độ mặn: Đa số các điểm độ mặn giảm lại so với tuần trước 1-5‰. Cụ thể Vĩnh Châu độ mặn 4-10‰ (giảm 1-3‰ so với tuần trước nhưng cao hơn 4-10‰ so cùng kỳ 2017). Mỹ Xuyên độ mặn 0-5‰ ( giảm 2-3‰ so với tuần trước nhưng cao hơn 1-4‰ so cùng kỳ năm 2017). Trần Đề ở cống Xà Mách và Sáu Quế 1 6-11‰, cống Tầm Vu độ mặn 0‰ (giảm 3-5‰ so với tuần trước và thấp hơn 12-15‰ so cùng kỳ năm 2017). Cù Lao Dung độ mặn đã ngọt lại 0‰ (bằng tuần trước và cùng kỳ 2017)

Độ pH: Khu vực Mỹ Xuyên chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc xả các cống nước ngọt sản xuất nông nghiệp, có nhiều lục bình được xả ra và thường xuyên có độ PH thấp từ 6,1-6,7. Các điểm còn lại pH cũng thấp nhưng trong ngưỡng từ 7,0-7,5.

Độ Kiềm: Hầu hết các điểm thu mẫu đều có độ kiềm nằm trong ngưỡng lấy nước, dao động từ 68-154 mg/l. Riêng tại Chàng Ré và Vàm Ông Tám độ kiềm thấp 51-58mg/l nằm dưới ngưỡng.

- Độ trong: Khu vực Vĩnh Châu (Trừ cầu Trà Niên, đầu Vàm Trà Niên, kênh Vĩnh Châu), Mỹ Xuyên (Trừ cầu Hòa Lý và Dù Tho) và Trần Đề có độ trong thấp 5-18cm. Các điểm còn lại có độ trong thích hợp từ 20-40 cm.

- Oxy hòa tan: Khu vực Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên có hàm lượng oxy hòa tan thấp <3,4 mg/l. Còn lại Trần Đề và Cù Lao Dung oxy trong ngưỡng từ 3,6-4,5 mg/l

Tình hình khí tượng thủy văn tại Sóc Trăng trong tháng 6

1. Tình hình chung.

- Tháng 06 trường gió tây nam hoạt động mạnh và ổn định, các nơi trong tỉnh mưa sẽ xuất hiện đều hơn, hầu hết các nơi trong tỉnh đều có mưa, có khả năng sẽ xuất hiện 2 – 3 đợt mưa kéo dài liên tục (kéo dài từ 4 – 6 ngày). Cần đề phòng sét đánh và gió giật mạnh, lốc xoáy trong những cơn dông.

- Trong tháng sẽ có khoảng 20 - 25 ngày có mưa. Tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, lượng nước bốc hơi và số giờ nắng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

- Nhiệt độ trung bình: 26,5 – 27,5oC, cao nhất 33,0 – 34,0oC, thấp nhất 23,0 – 24,0oC; Gió tây nam cấp 2 cấp 3.

Khuyến cáo cho người nuôi tôm

- Hiện tại độ mặn có xu hướng giảm dần. Độ mặn trong tuần tiếp tục giảm lại so với tuần trước, các thủy vực có độ mặn thấp <4‰ bà con không nên lấy nước nuôi ở độ mặn này như:  Kênh Vĩnh Châu, Trà Nho, Trà Nõ, Chàng Ré, Cầu Treo, Dù Tho, Tầm Vu, Cù Lao Dung.

- Kết quả quan trắc cho thấy pH và độ trong ngoài tự nhiên đang thấp hơn ngưỡng cho phép, nhất là khu vực Mỹ Xuyên độ pH thấp, do đó nếu lấy nước thì bà con cần xử lý để nâng pH và có độ trong thích hợp. Bà con cần tranh thủ lấy nguồn nước có độ mặn tốt (từ 5‰ trở lên) để dự trữ, cần tuân thủ lịch thả giống của ngành kết thúc vào ngày 30-9DL. Đối với vùng nuôi luân canh tôm-lúa nên thu hoạch tôm trước tháng 09 DL để chuẩn bị trồng lúa.

- Khi thả tôm không nên thả một lượt hết diện tích nuôi mà nên thả cách khoảng 15-20 ngày thả 1 ao và nên thả thăm dò một phần diện tích để nắm bắt thời tiết môi trường khi thuận lợi sẽ thả tiếp. Nên duy trì mật độ nuôi thích hợp tùy thuộc vào công trình ao nuôi và khả năng của hộ nuôi, nên duy trì mật độ thích hợp thẻ ao đất 30-80 con/m2(100-150 con/m2 ao lót bạt đáy), sú 10-15 con/m2), sú QCCT <10 con/m2, tôm lúa 5-7 con/m2.

- Nên thiết kế lại ao nuôi nhỏ trung bình 1500m2, có đầy đủ hệ thống ao lắng (ao lắng 1 –lắng thô, ao lắng 2 – lắng tinh, ao lắng 3 - ao sẵn sàng) để sẵn sàng cung cấp nước cho ao nuôi. Nên áp dụng các mô hình hiệu quả, thích ứng hiện nay như nuôi lót bạt 2 giai đoạn tuần hoàn nước, nuôi ao đất có hố xi phone tuần hoàn nước, nuôi kết hợp cá rô phi/cá trê....

- Trong tuần tiếp tục mưa nhiều, môi trường ao nuôi dễ bị biến động, bà con cần cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1.     Ổn định môi trường trong ao tôm

Thời điểm hiện tại sáng nắng nóng, chiều mưa dầm làm cho chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, gây ảnh hưởng đến ao nuôi nhất là các yếu tố như pH, độ kiềm, độ mặn, tảo…hay phát sinh các khí độc như NH3, NO2 gây stress cho tôm nuôi và dễ lây nhiễm các mầm bệnh như gan tụy cấp, phân trắng, đống trắng…Bà con nên rải vôi xung quanh bờ ao đất, tăng cường đánh vôi, khoáng vào ban đêm thời điểm mưa nhiều giúp tôm lột xác tốt và tăng cường sức đề kháng. Hằng ngày đo pH lúc 6-7h sáng và 2-3h chiều để kịp thời xử lý (pH dao động sáng chiều phải nhỏ hơn 0,5 đơn vị). Độ mặn, độ kiềm, khoáng chất, khí độc NO2, NH3 đo đạc 2-3 ngày 1 lần và đo mỗi ngày nếu mưa dầm liên tục. Tăng cường chạy quạt để đảm bảo dòng chảy, tránh phân tầng nhiệt độ và đảm bảo hàm lượng oxy trong nước luôn lớn hơn hoặc bằng 5 mg/l. Tăng cường sử dụng men vi sinh xử lý đáy, xử lý nước (Bacillus sp, Nitrosomonas/Nitrobacter, Rhodobacter…) để phân hủy mùn bã hữu cơ, phân tôm... giúp đáy ao sạch, môi trường tốt.

Độ trong ngoài tự nhiên rất thấp, nước đục chứa nhiều phù sa, chất hữu cơ lơ lửng và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, do đó bà con nuôi tôm không nên cấp nước trực tiếp vào ao đang nuôi tôm. Xử lý nước từ ao chứa, ao lắng sao cho cân bằng môi trường về độ mặn, pH, độ kiềm giữa ao lắng với ao đang nuôi trước khi cấp nước thêm. Không xả thải nước thải, bùn thải khi chưa được xử lý ra môi trường tự nhiên.

2. Quản lý sức khỏe tôm nuôi:

Tôm mới thả cũng nên sử dụng nhá để cho tôm quen vào nhá đồng thời kiểm tra được sức khỏe tôm. Sau 20 ngày trở đi thường xuyên kiểm tra nhá hoặc chài tôm để kiểm tra màu sắc, hình dạng gan tụy, kiểm tra đường ruột… để phát hiện sớm các bệnh nhạy cảm trên tôm vào thời điểm này như gan tụy cấp (gan tụy vàng, gan mờ, nhạt màu, sưng hoặc teo gan, ruột rỗng hoặc đứt khúc), bệnh phân trắng, đỏ thân-đốm trắng, bệnh đường ruột (ruột đứt khúc)…để có biện pháp xử lý kịp thời. Thường xuyên kiểm tra sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio sp trong ao nuôi để có biện pháp diệt khuẩn hoặc dùng vi sinh khống chế kịp thời. Mật độ vi khuẩn Vibrio trong nước ao nuôi tôm nên <400 khuẩn lạc/ml để hạn chế bệnh chết sớm EMS và các bệnh do vi khuẩn Vibrio gây nên. Thường xuyên bổ sung các vitamin, CPSH, Beta-Glucan…vào thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng trên tôm và chống chọi thời tiết cực đoan.

3. Quản lý cho ăn vừa đủ:

Tôm là loài ruột thằng, tiêu hóa và hấp thụ chỉ 30-40% lượng thức ăn và 60-70% lượng thức ăn còn lại thải ra ngoài ở dạng phân tôm gây ô nhiễm hữu cơ, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại và tảo độc phát triển. Do đó nên cho tôm ăn ít, vừa đủ khoảng 80-90% lượng khuyến cáo thông thường. Những ngày mưa dầm đột ngột (nhiệt độ nước <25oC) hoặc nắng nóng gay gắt (nhiệt độ nước trên 32oC) nên chủ động giảm 30-50% lượng thức ăn của ngày hôm trước. Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước ≥ 5 mg/l để giúp tôm khỏe và tiêu hóa chuyển hóa tốt thức ăn. Bổ sung men vi sinh, vitamin, Beta-Glucan... vào thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng trên tôm và tăng cường khả năng chống chịu thời tiết bất thường. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để trộn cho tôm ăn mà nên sử dụng các loại thảo dược như tỏi, trái cau, lá ổi, cây mật gấu, diệp hạ châu… để phòng ngừa bệnh đường ruột và gan tụy.

* Lưu ý:

Bà con cần chủ động đo đạc các yếu tố môi trường trong ao nuôi, đồng thời theo dõi sát kết quả quan trắc môi trường nước cũng như thông tin cảnh báo dịch bệnh, thông tin về bản tin thời tiết, giải pháp khuyến cáo của ngành chức năng để có cách xử lý ao tôm kịp thời, chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan.

Hiện nay giá tôm đang thấp và đang có dấu hiệu phục hồi, bà con không nên ồ ạt bán tháo mà cần nuôi tôm về size lớn (giá cao), đồng thời hạn chế việc lạm dụng thuốc hóa chất vào ao tôm và quản lý cho ăn vừa đủ, tiết kiệm thức ăn, chủ động kết nối liên kết tất cả các vật tư đầu vào (giống, thức ăn, thuốc men, bạt phủ, lưới che, cánh quạt,…) nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất 1kg tôm và nâng cao giá trị sản phẩm.

Nguồn: Chi cục thủy sản Sóc Trăng

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: